Kết thúc phiên này tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,50 USD lên 56,09 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2018. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lại hạ 0,05 USD xuống 66,45 USD/thùng.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela, nhà cung cấp dầu thô của Mỹ, và Iran đã góp phần hỗ trợ giá dầu giao kỳ hạn của Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Phil Flynn từ Price Futures Group tại Chicago, đây chỉ là diễn biến trong ngắn hạn trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra và triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm.
Vòng đàm phán thương mại mới giữa giới chức của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã được khởi động vào ngày 19/2 tại Washington và dự kiến các cuộc đàm phán cấp cao sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC vừa cảnh báo rằng họ có thể sẽ đình hoãn lại một số hoạt động đầu tư trong năm nay, do không đạt được mục tiêu về lợi nhuận trong năm 2018 khi đà tăng trưởng tại Trung Quốc và nước Anh đều chậm lại.
Tuy nhiên, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, theo đuổi thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá dầu đã hậu thuẫn phần nào cho thị trường năng lượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud mới đây cùng khẳng định sẽ ủng hộ việc tiếp tục phối hợp trên thị trường năng lượng thế giới - điều đã xoa dịu những hoài nghi về khả năng Nga sẽ không thực thi thảo thuận cắt giảm sản lượng.