Ngoài ra, việc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu đang có xu hướng thắt chặt, chủ yếu nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng góp phần hỗ trợ thị trường năng lượng.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 44 xu Mỹ (0,8%), lên 56,03 USD/thùng, gần mức cao nhất kể từ đầu năm nay vừa xác lập trong phiên trước đó là 56,33 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng “nhích” nhẹ 5 xu Mỹ, lên 66,52 USD/thùng, không xa mức “đỉnh” của năm nay vừa ghi nhận trong phiên 18/2 là 66,83 USD/thùng.
Giới đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng trước khi vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc tại Washington, khởi động vào ngày 19/2 (giờ địa phương), khép lại. Tập đoàn đầu tư tài chính Bank of America Merrill Lynch nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã gây tổn thương cho kinh tế toàn cầu, do vậy việc giải quyết những xung đột thương mại giữa hai cường quốc này là “chìa khóa” để cải thiện triển vọng kinh tế thế giới. Bank of America Merrill Lynch dự báo giá dầu Brent sẽ dao động trong khoảng 50 USD-70 USD/thùng trong năm nay.
Nguồn cung dầu mỏ trên thị trường thế giới đang được thắt chặt nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC, dẫn đầu là Saudi Arabia. Xuất khẩu dầu thô qua đường biển của quốc gia này đã giảm đáng kể trong nửa đầu tháng 2/2019, hiện chỉ đạt 6,204 triệu thùng/ngày, giảm 1,341 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó và 0,91 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn là Iran và Venezuela cũng góp phần hỗ trợ thị trường “vàng đen”.