Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế

Liên quan tới Công ty TNHH Grab vừa tăng chiết khấu khiến các lái xe công nghệ GrabBike bức xúc, đại diện Tổng cục Thuế cho biết: Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cũng như thu nhập của lái xe.

Chú thích ảnh
Hàng trăm GrabBike diễu hành, phản đối chính sách chiết khấu khiến giao thông hỗn loạn. Ảnh: TTXVN.

Vừa qua, hàng trăm lái xe Grab tại Hà Nội tắt ứng dụng đặt xe App, diễu hành trên đường phố và kéo đến văn phòng của Grab tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối việc bị tăng chiết khấu. 

Đại diện Grab lý giải: Việc tăng mức khấu trừ mỗi chuyến xe là do áp dụng Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 5/12). Tuy nhiên, phía Tổng cục Thuế khẳng định: Việc áp dụng Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân lái xe Grab.

Để đảm bảo thu nhập cho lái xe khi thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5% - 6% dịch vụ taxi, xe “ôm” công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, với bảng giá cước mới, nếu người đi xe đặt GrabBike từ Mậu Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) đi tới Đại học Kinh tế Quốc dân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), khách hàng sẽ phải trả 48.000 đồng (chưa tính các phụ phí khác), thay vì 43.500 đồng như trước đây, tương đương tăng 10,3%. Ở cuốc xe này, lái xe (thu nhập dưới 100 triệu/năm) sẽ chỉ nhận về được gần 35.000 đồng bởi tỷ lệ khấu trừ với lái xe GrabBike đã tăng từ 20% lên 27,273%.

Trong trường hợp khách hàng di chuyển theo lộ trình trên bằng GrabCar 4 chỗ, giá cước tăng từ 101.500 đồng lên 112.500 (chưa tính các phụ phí khác), mức tăng gần 11%. Như vậy, với chính sách mới của Grab, cả khách hàng và những lái xe vốn được Grab gán danh đối tác đều chịu thiệt.

“Grab tăng chiết khấu từ 20% lên 27% là chưa phù hợp. Từ trước đến nay, dịch vụ vận tải chịu thuế VAT tăng 10% chứ không phải đến khi Nghị định 126 có hiệu lực mới áp dụng. Quan điểm trước đây lái xe là cá nhân kinh doanh và không xuất hóa đơn, chỉ nộp thuế khoán. Thực tế không phải vậy, đây là thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa 2 bên", ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Được, giữa hãng công nghệ Grab và lái xe Grab có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các thỏa thuận về phân chia doanh thu, sản phẩm. Theo quy định hiện hành về hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia doanh thu, một trong các bên phải cử ra đại diện để xuất hóa đơn cho khách hàng và kê khai nộp thuế.

Ông Nguyễn Văn Được cho biết, Nghị định 126 làm rõ hơn quy định này và phù hợp với loại hình kinh doanh vận tải công nghệ, tạo sự minh bạch và công bằng cho các hình thức kinh doanh khác. Mặt khác, với cách làm này, khách hàng sử dụng dịch vụ có thể nhận hóa đơn khi cần; đồng thời đảm bảo nguyên tắc bán hàng hóa, dịch vụ phải xuất hóa đơn theo quy định.

Nhìn ở góc độ khác, sẽ có ý kiến cho rằng phần tăng thêm là chi phí vận hành và kê khai nộp thuế, cũng như chi phí hoá đơn chứng từ... thế nhưng theo đại diện Công ty TNHH kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, hãng vận tải công nghệ cần hài hoà lợi ích của các bên. Mặt khác, Grab cũng nên xem xét việc xuất hóa đơn cho khách hàng, vì hóa đơn VAT tăng 10% thì sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào với những chi phí về xăng xe, cầu đường (có thể yêu cầu tài xế cung cấp hóa đơn mua bán)… từ đó, Grab được lợi và lái xe cũng bớt thiệt thòi.

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Thực tế, giá cước của Grab sau lần điều chỉnh lần này đang cao hơn cả taxi truyền thống.

Cụ thể: Đối với dịch vụ Grabcar, ngoài tiền cước cho mỗi chuyến đi (gồm giá mở cửa tính cho 2 km đầu tiên và giá tính theo các cây số tiếp theo), Grab còn thu thêm của người tiêu dùng phí thời gian di chuyển (khoảng 400 đồng/phút) và phí nền tảng (2.000 đồng/chuyến). Trong khi đó, taxi truyền thống hiện nay chỉ tính tiền cước dựa trên quãng đường di chuyển.

“Những khoản tiền như phí thời gian di chuyển hay phí nền tảng là rất vô lý. Tuy nhiên, người tiêu dùng lâu nay lại không để ý đến điều đó mà cứ nghĩ rằng đi Grab là rẻ hơn taxi truyền thống”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích: VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng, mà thuế là yếu tố cấu thành nên giá. Tuy nhiên, trên thị trường gọi xe có tính cạnh tranh giữa các hãng xe công nghệ với nhau; giữa hãng xe công nghệ và doanh nghiệp vận tải truyền thống; sự phân chia lợi nhuận giữa hãng xe công nghệ và lái xe cùng nhiều yếu tố khác tác động. Việc tăng giá cước hay không, hoặc tăng như thế nào phụ thuộc vào chiến lược giá của từng hãng.

“Mỗi hãng có một chiến lược giá riêng, ở đây là lựa chọn tăng hoặc không tăng giá cước, nếu tăng thì tăng ở mức độ nào hay tăng theo tỷ lệ thuận với mức tăng thuế VAT. Chiến lược giá phù hợp sẽ giúp hãng xe công nghệ, lái xe đảm bảo lợi nhuận, khách hàng chấp nhận và giữ được thị phần cạnh tranh với taxi truyền thống”, ông Ngô Trí Long cho biết.

Tại buổi làm việc với đại diện Grab mới đây, Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab biết về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế VAT. Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế VAT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế VAT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế VAT đầu vào theo quy định. Phía Grab chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với lái xe là do ảnh hưởng của Nghị định 126.

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế chỉ quy định việc khai thuế và quản lý thuế, chứ không điều chỉnh thuế suất, cũng như quy định chính sách thuế.

“Thuế suất 10% thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đã được quy định từ trước và áp dụng thống nhất đối với loại hình kinh doanh vận tải. Do đó, Nghị định 126 không làm tăng thuế suất thuế VAT đối với cá nhân lái xe Grab”, bà Tạ Thị Phương Lan cho biết.

Cũng theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, do trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, nên việc áp dụng thuế của Grab không thống nhất, chưa tính đúng, tính đủ thuế VAT như các mô hình taxi truyền thống khác. Do đó, Nghị định 126 vừa được Chính phủ ban hành đã quy định cụ thể hơn vấn đề này.

Nghị định 126 đã quy định cá nhân chỉ phải chịu trách nhiệm về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và không phải chịu thuế VAT, cá nhân lái xe chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nên không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân lái xe.

Trước đó trong buổi đối thoại với các lái xe GrabBike, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam vẫn cho rằng: Do Nghị định 126 có nhiều điểm bất hợp lý, chưa được phù hợp vì cơ quan thuế đã áp chính sách thuế của mô hình taxi truyền thống lên mô hình hợp tác kinh doanh, chia sẻ doanh thu; dẫn đến việc Grab tăng cước phí, điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu đối với lái xe do phần thuế tăng thêm. Tuy nhiên nhiều lái xe công nghệ không đồng tình với lời giải thích này.

Minh Phương/Báo Tin tức
Grab chưa thông tin rõ với cơ quan thuế lý do tăng giá cước và mức chiết khấu
Grab chưa thông tin rõ với cơ quan thuế lý do tăng giá cước và mức chiết khấu

Kết thúc buổi làm việc nội bộ giữa 2 bên vào chiều 9/12, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng: Phía Grab chưa thông tin rõ ràng với cơ quan thuế lý do vì sao tăng giá cước và mức chiết khấu - khiến hàng loạt lái xe Grab bất bình trong mấy ngày qua. Việc điều chỉnh được phía Grab đưa ra vì liên quan tới Nghị định 126 là không hợp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN