Tuyên bố trên được đưa ra ngày 9/4 sau khi Pháp thông báo những người dưới 55 tuổi được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca sẽ được tiêm mũi thứ 2 là một loại vaccine khác.
WHO đã kêu gọi tiến hành các nghiên cứu về việc kết hợp các loại vaccine, song cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu toàn diện nào nên chưa thể đưa ra khuyến nghị. Do đó, người phát ngôn của WHO, bà Margaret Harris, khẳng định vào thời điểm này, việc sử dụng vaccine khác nhau giữa các liều tiêm không được khuyến nghị. Điều này cần được nghiên cứu để có thể hiểu rõ đây có nên là chiến lược mà các nước có thể áp dụng hay không.
Hiện một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá hiệu quả của việc kết hợp giữa hai loại vaccine.
Sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo tình trạng đông máu sẽ được lưu ý như một tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca dù "rất hiếm xảy ra", nhiều nước đã quyết định hạn chế sử dụng loại vaccine này. Ngày 9/4, Pháp cho biết những người dưới 55 tuổi được tiêm mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca có thể được tiêm mũi thứ hai bằng một loại vaccine khác.
Về phần mình, các chuyên gia về vaccine phòng bệnh COVID-19 của WHO cho rằng có mối liên hệ giữa việc tiêm vaccine AstraZeneca với tình trạng đông máu (huyết khối), dù rất hiện tượng này là rất hy hữu và đòi hỏi có các nghiên cứu sâu hơn để khẳng định vấn đề này. Tuy nhiên, cân bằng giữa lợi ích và rủi ro, WHO vẫn không thay đổi khuyến nghị người dân cần tiếp tục được tiêm vaccine.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đang có “sự mất cân bằng nghiêm trọng” về phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới và hầu hết các nước không có đủ vaccine cho các nhóm nguy cơ cao. Phát biểu tại một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO nêu rõ nếu ở những nước thu nhập cao, trung bình cứ 4 người thì có xấp xỉ 1 người đã nhận vaccine COVID-19, thì ở những nước thu nhập thấp, tỷ lệ là hơn 500 người mới có 1 người.