Australia tăng gấp đôi số vaccine đặt mua của Pfizer/BioNTech 

Ngày 9/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo đã tăng gấp đôi đơn đặt hàng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech lên 40 triệu liều, trong bối cảnh nước này đang chạy đua với thời gian để triển khai kế hoạch tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Australia đã đặt mua 50 triệu liều vaccine của AstraZeneca do công ty CSL Ltd trong nước sản xuất, đủ để tiêm cho toàn bộ 25 triệu dân. Tuy nhiên, những quan ngại về tác dụng phụ của vaccine đã khiến giới chức y tế địa phương thay đổi khuyến nghị, cho rằng gần 12 triệu người dưới 50 tuổi nên tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech.

Do đó, Australia đã quyết định đặt mua thêm vaccine của Pfizer/BioNTech, đủ để tiêm phòng cho 80% dân số. Dự kiến đơn hàng sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Sự thay đổi này sẽ khiến kế hoạch tiêm phòng cho toàn bộ dân số từ nay đến tháng 10 khó thực thi.

Phát biểu tại cuộc họp Nội các, Thủ tướng Morrison nêu rõ Australia không cấm sử dụng vaccine của AstraZeneca, mà chỉ khuyến khích sử dụng vaccine này cho những người trên 50 tuổi. Sau khi New Zealand và Australia quyết định nối lại hoạt động đi lại miễn cách ly giữa hai nước, Thủ tướng Morrison hy vọng có thể đạt được thỏa thuận tương tự với những nước khác. Điều này đòi hỏi có thêm nhiều người Australia được tiêm phòng COVID-19.

New South Wales, bang đông dân nhất của Australia, hiện đã tạm dừng tiêm phòng bằng vaccine của hãng AstraZeneca để cập nhật thông báo về rủi ro tiêm phòng đối với các bệnh nhân.

Về phần mình, AstraZeneca cho biết hãng tôn trọng quyết định của Australia và đang làm việc với các nhà chức trách trên thế giới để đánh giá các trường hợp, cũng như tìm ra cơ chế giúp giải thích mối liên hệ giữa tiêm phòng với các tác dụng phụ hiếm gặp.

* Cùng ngày, Hong Kong (Trung Quốc) xác nhận đã đề nghị hãng AstraZeneca tạm dừng chuyển giao vaccine ngừa COVID-19 cho đặc khu hành chính này. 

Người đứng đầu cơ quan y tế Hong Kong Sophia Chan cho biết chính quyền đã yêu cầu AstraZeneca hoãn bàn giao hàng trong năm nay, để tránh nguy cơ lãng phí trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, Hong Kong cũng đang quan tâm đến những loại vaccine có hiệu quả mạnh trong việc phòng ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.

Trước đó, chính quyền Hong Kong đã đảm bảo đủ nguồn cung vaccine cho 7,5 triệu dân, khi ký thỏa thuận với Pfizer/BioNTech và công ty Sinovac để đặt mua mua 7,5 triệu liều từ mỗi hãng. Cả hai hãng đều đã bắt đầu quá trình vận chuyển vaccine.

Hong Kong là một trong những khu vực đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và việc đeo khẩu trang đã giúp duy trì số ca nhiễm trên 11.000 ca, trong đó có 205 ca tử vong do COVID-19. Cho đến nay, mới chỉ có 529.000 người tại Hong Kong được tiêm mũi đầu tiên.

* Trong khi đó, nhật báo tài chính Mint đưa tin một ủy ban chuyên gia của Chính phủ Ấn Độ đang tiến hành điều tra bất kỳ trường hợp nào trong nước bị tác dụng phụ là đông máu sau tiêm, kể cả những trường hợp nhẹ. Ấn Độ hiện đang tiêm phòng bằng vaccine của hãng AstraZeneca do Viện Serum sản xuất với tên gọi Covishield và vaccine COVAXIN của Bharat Biotech.

Ấn Độ đang dựa vào vaccine ngừa COVID-19 để chống lại làn sóng lây nhiễm thứ hai. Trong ngày 8/4, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 126.789 ca nhiễm mới. Đây là lần thứ 3 trong tuần qua, nước này có số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày vượt quá mức 100.000 người. Ấn Độ có tổng cộng hơn 13 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 167.000 ca tử vong do COVID-19.

Trước đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) thông báo rằng tình trạng đông máu sẽ được lưu ý như một tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca dù "rất hiếm xảy ra". Tuy nhiên, lợi ích của việc tiêm chủng vẫn cao hơn rất nhiều so với những nguy cơ hy hữu này. Một số nước cũng tạm thời đình chỉ hoặc cấm tiêm vaccine AstraZeneca do phát hiện chứng đông máu ở bệnh nhân đã tiêm vaccine.

Hà Lan và Bồ Đào Nha là những nước mới nhất quyết định hạn chế sử dụng vaccine của AstraZeneca cho nhóm người lớn tuổi, chủ yếu trên 60 tuổi. Trong khi đó, hãng sản xuất AstraZeneca và một số hãng dược phẩm khác cho đến nay vẫn khẳng định tính hiệu quả và sự an toàn của vaccine.

Đặng Ánh (TTXVN)
Pfizer ngưng chuyển vaccine cho Israel vì lỡ hẹn thanh toán
Pfizer ngưng chuyển vaccine cho Israel vì lỡ hẹn thanh toán

Hãng dược phẩm Pfizer đã tạm đóng băng việc chuyển giao vaccine ngừa COVID-19 cho Israel sau khi quốc gia này chưa thanh toán cho 2,5 triệu liều trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN