Hong Kong sẽ tiếp tục sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech

Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 1/4 cho biết vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech không có vấn đề gì về chất lượng và chính quyền sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này để tiêm chủng cho người dân vào ngày 5/4 tới.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, ngày 24/3 vừa qua, chính quyền Hong Kong đã thông báo ngừng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech sau khi nhà phân phối thông báo một số nắp lọ đựng vaccine bị hỏng.

Cục trưởng Cục dân sự Nhiếp Đức Quyền ngày 1/4 nêu rõ chính quyền Hong Kong đã nhận được báo cáo điều tra từ Công ty dược phẩm BioNTech của Đức khẳng định vaccine không có vấn đề về chất lượng và an toàn, do đó nhà chức trách sẽ tiếp tục sử dụng vaccine này tiêm cho người dân. Một lô mới gồm 300.000 liều vaccine sẽ đến Hong Kong vào ngày 2/4 tới.

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Y tế Trần Hán Nghi, BioNTech khẳng định không có bằng chứng 2 lô vaccine có vấn đề trước đó là 210102 và 210104 có nguy cơ mất an toàn. Hãng này nhấn mạnh vaccine được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp trong quá trình giao hàng nên không có nguy cơ nhiễm khuẩn. Hai lô vaccine liên quan sẽ được xử lý theo yêu cầu của nhà máy dược phẩm sau khi có kết quả điều tra cuối cùng. Hai lô này sẽ tiếp tục được niêm phong và không sử dụng. 

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản thông báo nước này sẽ nhận được thêm nhiều vaccine của Pfizer/BioNTech để đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho người cao tuổi. Thông báo nêu rõ Nhật Bản sẽ có đủ vaccine phân phối trong 2 tuần bắt đầu từ ngày 10/5 tới để tiêm mũi đầu cho một nửa trong tổng số 36 triệu người cao tuổi tại nước này.

Nhật Bản bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 vào tháng 2 vừa qua, chậm hơn phần lớn các nền kinh tế phát triển khác và hiện nước này chỉ sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.

Nhật Bản đang ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế. Tính đến ngày 1/4, hơn 890.000 người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Tại Australia, giới chức y tế cho biết nước này đang điều tra trường hợp đông máu ghi nhận trong ngày 2/4 sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca. Bệnh nhân nam 44 tuổi đã phải nhập viện điều trị chứng huyết khối và giảm tiểu cầu chỉ vài ngày sau khi được tiêm vaccine. Trước đó một ngày, Anh xác nhận có 30 trường hợp xuất hiện chứng đông máu sau khi tiêm vaccine. Đầu tháng 3 vừa qua, nhiều quốc gia châu Âu đã ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca trong thời gian ngắn để điều tra hiện tượng đông máu. nhưng sau đó gần như tất cả các nước này đã sử dụng trở lại loại vaccine này. Riêng Pháp cho rằng chỉ nên tiêm vaccine của AstraZeneca cho người từ 55 tuổi trở lên, căn cứ bằng chứng cho thấy hiện tượng đông máu chỉ xuất hiện ở những người trẻ tuổi.

Australia đã tiến hành chiến dịch tiêm phòng cho 25 triệu dân từ tháng 2, trong đó phần lớn người dân sẽ được tiêm vaccine của AstraZeneca. Vào cuối tháng 3, công ty CSL đã bắt đầu sản xuất 50 triệu liều vaccine tại Australia.

Mặc dù thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh thông qua các biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới và truy vết nhanh, Australia gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình tiêm phòng. Nguồn cung vaccine của bang Queensland dự kiến sẽ hết trong vài ngày tới và chưa rõ khi nào chuyến hàng tiếp theo sẽ đến. 

Theo thống kê, Australia có tổng cộng 29.300 ca nhiễm và 909 ca tử vong do COVID-19.

Lê Anh - Đặng Ánh (TTXVN)
Hong Kong (Trung Quốc) cho phép người dân trở về từ Anh
Hong Kong (Trung Quốc) cho phép người dân trở về từ Anh

Ngày 1/4, Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) cho biết người dân vùng lãnh thổ này sẽ được phép trở về từ Anh trên các chuyến bay được chỉ định vào cuối tháng này trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Anh có những dấu hiệu thuyên giảm. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN