Trung Quốc dùng mã màu để phân loại tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của người dân

Chính quyền Bắc Kinh đang sử dụng mã màu để biểu thị tỷ lệ tiêm chủng của người dân tại các tòa nhà, doanh nghiệp, một phần trong nỗ lực đạt mục tiêu tiêm chủng cho trên 560 triệu dân vào cuối tháng 6 tới.

Chú thích ảnh
Tấm biển màu xanh lam biểu thị tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của công nhân được dán trên cánh cửa một doanh nghiệp in ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), trong những tuần gần đây, nhiều tấm biển màu xanh lá cây đã xuất hiện tại trung tâm mua sắm ở thủ đô Trung Quốc. Tấm biển được thiết kế hình tròn cho thấy một nhân viên y tế mặc đầy đủ trang bị bảo hộ cầm một lọ vaccine với là dòng chữ cho biết tỷ lệ tiêm chủng của người dân trong khu vực là trên 80%. Các tòa nhà khác có tỷ lệ 40 – 80% được đánh dấu bằng tấm biển màu xanh lam. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng dưới 40% được đánh dấu màu đỏ. 

Những dấu hiệu màu sắc này gần như tương tự với mã sức khỏe kỹ thuật số của người dân, vốn đã trở thành một yếu tố phổ biến trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Theo đó, người dân chỉ được phép đi ra ngoài các tòa nhà và các khu vực cách ly nếu họ có mã màu xanh lá cây trên ứng dụng điện thoại di động. 

Tại một nhà hàng Ma Cao, quản lý họ Xu, 23 tuổi, cho biết anh và tất cả 14 nhân viên đều đã được tiêm phòng. Do vậy, doanh nghiệp của họ đã được cấp một tấm biển màu xanh lá cây. 

“Việc phân loại tỷ lệ tiêm chủng theo màu sắc bắt đầu từ khoảng nửa tháng trước. Việc được cấp mã màu xanh lá cây giúp cho công việc kinh doanh của chúng tôi thuận lợi hợn. Khách hàng cảm thấy an toàn hơn khi dùng bữa tại nhà hàng. Hiện tại, chúng tôi rất đông khách vào buổi chiều”, anh Xu nói. 

Xu nằm trong số hơn 145 triệu người Trung Quốc đã được tiêm chủng cho đến nay. Anh cho biết mình đã được tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19.

“Ban đầu, tôi cũng lo lắng về những tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine. Nhưng tôi đã tìm hiểu trên mạng và thấy rằng có nhiều người đã tiêm chủng. Vì vậy, tôi cũng cảm thấy an toàn hơn”, anh nói.  

Chú thích ảnh
Một cửa hàng trái cây ở Bắc Kinh được cấp biển xanh lá cây, biểu thị tất cả những người trong cửa hàng đã được tiêm chủng. Ảnh: Getty Images

Tại một tòa nhà gần đó, một nhân viên bảo vệ họ Wang trẻ tuổi cho biết anh đã tiêm vaccine vài ngày trước: “Thật tốt khi tôi không phải lo lắng về nguy cơ mắc bệnh và có thể yên tâm làm việc”. 

Trung Quốc đang phát triển và phân phối số lượng lớn vaccine nội địa với mục đích tiêm chủng cho 40% dân số 1,4 tỉ dân vào giữa năm nay. Tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia này đang là 4,5 triệu người/ ngày. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, nước này cần phải tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng lên 500.000 người/ngày để đạt được mục tiêu đề ra. 

Cùng với việc phân loại tỷ lệ tiêm chủng tại các tòa nhà bằng các mã màu sắc, chính quyền trung ương và địa phương đang triển khai nhiều chiêu thức khác nhau để khuyến khích các cộng đồng dân cư và người dân tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19.  

Tại một quận của Bắc Kinh, những người đã tiêm vaccine COVID-19 sẽ được khuyến mại mua 1 tặng 1 khi mua kem ốc quế. Trong khi đó, ở quận Beixianqia, những người trên 60 tuổi tiêm liều vaccine thứ hai sẽ được phát 2 hộp trứng.

Ở tỉnh Cam Túc, phía bắc Trung Quốc, chính quyền địa phương ở đây thậm chí xuất bản một bài thơ dài 20 khổ ca ngợi người đã tiêm vaccine COVID-19.

Ở thành phố Uyển Thành, tỉnh Hà Nam, giới chức địa phương cảnh báo các phụ huynh rằng nếu họ không tiêm vaccine, việc học hành và nghề nghiệp tương lai của con cái họ sẽ bị ảnh hưởng.

Chú thích ảnh
Trung Quốc dùng nhiều cách thức khác nhau thuyết phục người dân tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: New York Times

Tại thành phố Trùng Khánh, một doanh nghiệp yêu cầu nhân viên từ 18 đến 59 tuổi không có bệnh nền đều phải tiêm vaccine trước cuối tháng 4 hoặc phải có lý do chính đáng. Tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu 85% nhân viên tiêm chủng, nếu không sẽ bị cảnh cáo hoặc bị tạm đình chỉ hoạt động. 

Trung Quốc gặp khá nhiều trở ngại khi thuyết phục người dân tiêm vaccine COVID-19. Do nước này đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhiều người dân cảm thấy không cần thiết phải tiêm chủng. Bên cạnh đó, nhiều người tỏ ra khá thận trọng bởi Trung Quốc từng vướng vào một số bê bối liên quan đến vaccine, hơn nữa Bắc Kinh bị cho là thiếu minh bạch về cung cấp thông tin liên quan đến vaccine COVID-19 nội địa. 

Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn các đợt bùng phát quy mô lớn kể từ khi kiểm soát thành công dịch bệnh ở Vũ Hán hồi năm 2020 với hy vọng phục hồi nền kinh tế của mình.

Hải Vân/Báo Tin tức
Hoàng thân Philip - hành trình hơn 7 thập kỷ gắn bó với Nữ hoàng Anh
Hoàng thân Philip - hành trình hơn 7 thập kỷ gắn bó với Nữ hoàng Anh

Đi hết cuộc đời ở tuổi 99, Hoàng thân Philip đã có tới 73 năm gắn bó cùng Nữ hoàng Elizabeth II, chứng kiến những thăng trầm trong cuộc sống Hoàng gia cũng như lịch sử nước Anh thời hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN