Gabrielle Bonheur Chanel (sinh ngày 19/8/1883) có mẹ làm nghề giặt và cha bán hàng rong. Tên đệm của bà hết sức ý nghĩa, với từ “Bonheur” trong tiếng Pháp là “may mắn”. Năm lên 12 tuổi, mẹ Gabrielle qua đời và người cha quyết định gửi bà tới một trại trẻ mồ côi.
Không biết đây có phải là cơ duyên đưa bà đến với ngành thời trang không khi tại trại trẻ, trong một môi trường sống khắc nghiệt, bà được dạy cách may vá. Những ngày được nghỉ học, Gabrielle dành thời gian tại Moulins với gia đình, nơi kỹ năng may vá của bà được rèn giũa thêm.
Năm 18 tuổi, Gabrielle bắt đầu làm việc cho một nhà may địa phương. Chuyến hành trình với nghề thời trang của Gabrielle thực sự bắt đầu khi sau một thời gian ngắn theo đuổi nghề ca hát – nơi khởi nguồn của nghệ danh Coco – Gabrielle chuyển đến Deauville, gặp gỡ và chuyển về sống với Etienne Balsan, một người thừa kế giàu có trong ngành dệt may và bắt đầu công việc thiết kế mũ.
Cho đến khi gặp nhà công nghiệp người Anh Arthur Edward “Boy” Capel, Gabrielle được tài trợ mở cửa hàng bán mũ đầu tiên vào năm 1910 có tên Chanel Modes, được rất nhiều diễn viên nổi tiếng ưa chuộng. Khi các thiết kế của bà phát triển, Gabrielle ngày càng chứng tỏ là người có mắt nhìn về thời trang, cho ra các sản phẩm thời trang cao cấp đơn giản, cổ điển và sang trọng.
Những năm 1913-1919, Gabrielle mở một cửa hàng ở Deauville giới thiệu bộ sưu tập đồ thể thao làm hoàn toàn bằng len jersey, một cửa hiệu thời trang sang trọng tại Biarritz và một cửa hiệu thời trang sang trọng khác tại số 31 Rue Cambon, Paris – ngày nay vẫn hoạt động là trụ sở của Chanel. Những năm 1920, Maison Chanel ra đời như là một trong những cửa hiệu thời trang mang tính ảnh hưởng nhất. Gabrielle đã trở thành một biểu tượng về phong cách thực sự. Năm 1921, bà ra mắt sản phẩm nước hoa đầu tiên đặt tên Chanel No.5 - sản phẩm “đinh” mở đường cho bốn sản phẩm nước hoa khác được trình làng trong thập niên này.
Cột mốc tiếp theo trong dòng lịch sử của Chanel là năm 1924, Gabrielle tung ra dòng sản phẩm trang điểm đầu tiên của mình, gồm son và phấn phủ. Năm 1926, váy LBD (Chiếc váy đen nhỏ) được trình làng và ngay lập tức nổi như cồn bởi đường nét đơn giản đã thách thức và tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành thời trang.
Năm 1931, nhận lời đề nghị của Samuel Goldwyn, Gabrielle đến Mỹ để thiết kế trang phục cho các ngôi sao điện ảnh, trong đó có các nhân vật nổi tiếng như Gloria Swanson, Ina Claire, Greta Garbo, Marlene Dietrich… Tính đến năm 1935, khi Gabrielle tuyển dụng 4.000 nhân công và sở hữu 5 cửa hiệu tại Rue Cambon – trái tim thời trang tại Paris.
Sau thời gian trú tại Thụy Sỹ vì Thế chiến II, Gabrielle quay trở lại Paris vào năm 1954, mở rộng phong cách thời trang và mở cửa trở lại các cửa hiệu thời trang cao cấp. Không nằm ngoài dự đoán, Coco trở lại và “lợi hại” hơn xưa, với các sản phẩm thời trang đốn tim mọi nhân vật của công chúng. Kể từ đó, Chanel trưng dụng các nhà thiết kế nổi tiếng nhất và sử dụng những chất liệu tốt nhất. Ngay cả khi Gabrielle qua đời vào năm 1971 sau một thời gian làm việc và cống hiến không ngừng nghỉ, thương hiệu Chanel vẫn chứng minh sức sống mãnh liệt trong làng thời trang hiện đại.
Năm 1983, Chanel đón về Karl Lagerfeld với vai trò giám đốc nghệ thuật, phụ trách mảng thời trang cao cấp và các bộ sưu tập may sẵn để rồi phải nói lời chia tay ông khi biểu tượng của ngành thời trang thế giới này qua đời vào ngày 19/2 vừa qua.
Chanel hiện có đội ngũ khoảng 20.000 nhân viên. Năm 2018, hãng lần đầu tiên công bố kết quả kinh doanh thường niên sau 108 năm hoạt động với tổng doanh thu năm 2017 đạt 9,62 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước đó và lợi nhuận hoạt động đạt 2,69 tỷ USD.