Các tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại khu vực Tel al-Hawa, Gaza, ngày 23/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thông báo được ông Witkoff đưa ra trên nền tảng mạng xã hội X, trong đó nhấn mạnh các phương án thay thế nhằm đưa con tin về nước và tạo ra môi trường ổn định hơn cho người dân Gaza. Bên cạnh đó, ông thông báo phái đoàn đàm phán của Mỹ sẽ rút khỏi Qatar để về nước tham vấn, sau phản hồi mới nhất từ phía Phong trào Hồi giáo Hamas.
Tại buổi họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tommy Pigott từ chối tiết lộ cụ thể những “phương án thay thế” mà Mỹ đang xem xét.
Cũng trong ngày 24/7, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo phái đoàn của nước này tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza đã trở về nước từ Doha (Qatar) để tiếp tục tham vấn sau khi nhận được phản hồi mới từ Phong trào Hồi giáo Hamas liên quan tới đề xuất ngừng bắn kéo dài 60 ngày.
Đài truyền hình Kan (Israel) trích dẫn nguồn thạo tin về tiến trình đàm phán, cho biết “các cuộc thảo luận chưa đổ vỡ” và “đây là bước đi có sự phối hợp giữa các bên; các quyết định quan trọng cần được đưa ra và đó là lý do phái đoàn trở về tham vấn thêm”. Nguồn tin khẳng định động lực đàm phán vẫn tích cực.
Văn phòng Thủ tướng Israel xác nhận nước này đã nhận được phản hồi mới nhất từ phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza liên quan đến đề xuất thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin, đồng thời đang tiến hành xem xét toàn diện nội dung phản hồi này.
Theo Kan, Hamas đã đưa ra yêu cầu tăng số lượng con tin được trả tự do so với đề xuất của các bên trung gian.
Theo một nguồn tin từ Hamas, phong trào này cũng đã yêu cầu bổ sung điều khoản nhằm ngăn chặn khả năng Israel nối lại chiến dịch quân sự tại Gaza, nếu các bên không đạt thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, sau thời gian tạm ngừng giao tranh kéo dài 60 ngày.
* Cùng ngày, các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, lượng viện trợ ít ỏi được phép đưa vào Gaza là “hoàn toàn không đủ” để ngăn chặn nạn đói hoặc duy trì các hoạt động cứu trợ thiết yếu.
Người dân Palestine chờ nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Gaza, ngày 24/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết dù các nhóm nhân đạo đã thu gom được một số hàng viện trợ lương thực, chủ yếu là bột mì, từ các cửa khẩu Kerem Shalom/Karem Abu Salem và Zikim trong ngày 23/7, song người dân Gaza vẫn đang đối mặt với cái chết, thương tích, đói khát, mất nhà cửa và sang chấn tâm lý giữa bối cảnh xung đột tiếp diễn, thiếu lương thực, nước sạch, chăm sóc y tế và nơi trú ẩn.
Trước cáo buộc từ Israel rằng LHQ và các đối tác không tiếp nhận viện trợ tại cửa khẩu, OCHA đã liệt kê các trở ngại họ gặp phải trong quá trình phân phối cứu trợ tại Gaza. Theo OCHA, các rào cản bao gồm thủ tục hành chính, trở ngại hậu cần, hạn chế hoạt động do phía Israel áp đặt, giao tranh tiếp diễn và việc tiếp cận bị cản trở trong nội địa Gaza, trong đó có cả các vụ bạo lực liên quan đến hoạt động phân phối viện trợ khiến dân thường và nhân viên nhân đạo gặp rủi ro nghiêm trọng, buộc nhiều cơ quan phải tạm dừng tiếp nhận hàng tại các cửa khẩu do Israel kiểm soát.
Trong số 16 nỗ lực điều phối di chuyển với phía Israel trong ngày 23/7, chỉ có 8 lần được chấp thuận, trong đó có một số hoạt động tiếp nhận nhiên liệu giới hạn. Hai lần khác dù được phê duyệt ban đầu nhưng sau đó vẫn gặp trở ngại tại Gaza.
Các đối tác của OCHA báo cáo hơn 1 triệu trẻ em đang phải hứng chịu hậu quả nạn đói và suy dinh dưỡng nghiêm trọng, với số ca tử vong vì thiếu ăn tăng lên từng ngày. OCHA cho biết trong hai tuần đầu tháng 7, gần 5.000 trong tổng số 56.000 trẻ em dưới 5 tuổi được khám sàng lọc ở các khu vực Gaza, Deir al-Balah và Khan Younis được xác định là suy dinh dưỡng cấp tính. Tỷ lệ này chiếm khoảng 9%, tăng so với 6% hồi tháng 6 và 2,4% hồi tháng 2.
Ông Philippe Lazzarini thuộc Cơ quan cứu trợ và việc làm LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết, cứ 5 trẻ em ở thành phố Gaza thì có một em bị suy dinh dưỡng. OCHA cho biết các gia đình đang bị dồn vào chỉ 12% diện tích Dải Gaza, trong khi 88% còn lại nằm trong khu vực quân sự hóa hoặc chịu lệnh sơ tán.
Lệnh phong tỏa các mặt hàng thiết yếu như lều trại và vật liệu dựng nơi ở đã kéo dài hơn 20 tuần. Lượng nhiên liệu ít ỏi được cho phép nhập vào hiện cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Các nhân viên cứu trợ ở Gaza vẫn quyết tâm bám trụ để tiếp tục hỗ trợ người dân, trong khi LHQ tiếp tục kêu gọi một lệnh ngừng bắn và chấm dứt sự tàn phá hiện nay.