Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel tại Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy phần mái của nhà thờ bị trúng đạn gần cây thánh giá chính, khiến mặt tiền bằng đá bị cháy và nhiều cửa sổ vỡ tan. Sự việc đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ Giáo hội Công giáo và nhiều quốc gia.
Theo kết quả điều tra ban đầu của IDF, không có sai sót do con người gây ra mà nguyên nhân xuất phát từ trục trặc trong cơ chế vận hành hệ thống pháo và đạn dược.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza đang tiến tới giai đoạn quyết định, với những dấu hiệu cho thấy một thỏa thuận toàn diện có thể sớm đạt được trong vài ngày tới. Cùng lúc, Mỹ đẩy mạnh vai trò trung gian và ngoại giao tại khu vực, trong đó có bước chuyển mới trong quan hệ với chính quyền Palestine.
Cùng ngày, một tàu du lịch do Israel sở hữu đã buộc phải chuyển hướng đến CH Cyprus sau khi không thể cập cảng tại đảo Syros (Hy Lạp) do một cuộc biểu tình lớn ủng hộ người Palestine diễn ra tại khu vực cảng.
Tàu Crown Iris, thuộc sở hữu của hãng vận tải biển Mano Maritime (Israel), chở khoảng 1.600 hành khách và dự kiến dừng chân trong 6 giờ tại thị trấn Ermoupoli, Syros vào khoảng giữa trưa 22/7. Tuy nhiên, trước tình hình biểu tình tại cảng, Mano Maritime ban đầu thông báo việc cập bến “bị trì hoãn nhẹ” và dự đoán cuộc biểu tình sẽ giải tán “trong vòng 30 phút”. Đến 15h cùng ngày, khi tình hình vẫn chưa cải thiện, công ty quyết định hủy điểm dừng tại Syros và chuyển hướng tàu đến cảng Limassol, CH Cyprus.
Một số hành khách trên tàu cho rằng “quyết định chuyển hướng” là hợp lý, đặc biệt khi trên tàu chở 300 - 400 trẻ em. Trong thời gian chờ đợi tại cảng, hành khách được đề nghị ở lại trong khoang tàu.
Theo truyền thông địa phương, khoảng 300 người dân đảo Syros đã tổ chức biểu tình nhằm bày tỏ quan điểm liên quan đến tình hình xung đột Hamas - Israel. Cơ quan quản lý cảng Syros và cảnh sát Hy Lạp được cho là đã túc trực suốt thời gian diễn ra biểu tình, trong khi một bãi đậu xe lớn gần cảng cũng bị phong tỏa cho đến tối vì lý do an ninh.
Ngoại trưởng Israel Gideon Sa’ar cho biết ông đã liên hệ với người đồng cấp Hy Lạp Giorgos Gerapetritis để yêu cầu “can thiệp nhằm giải quyết vấn đề cập cảng”. Bộ Ngoại giao Israel theo sát vụ việc thông qua Đại sứ quán tại Hy Lạp.
Hy Lạp là điểm đến du lịch phổ biến đối với người Israel, với khoảng 621.000 lượt du khách chỉ riêng trong năm 2024. Tuy nhiên, căng thẳng khu vực thời gian qua đã ảnh hưởng tới một số hoạt động giao lưu dân sự giữa hai bên. Theo khuyến cáo mới nhất của Hội đồng An ninh Quốc gia Israel, Hy Lạp đang ở mức độ cảnh báo cấp 2/4, khuyến nghị công dân Israel và người Do Thái nâng cao cảnh giác khi du lịch tại nước này.