Đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza, ngày 9/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff, dự kiến sẽ đến Doha (Qatar) vào cuối tuần này để hỗ trợ hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn tạm thời kéo dài 60 ngày giữa Israel và Hamas. Phía Mỹ xác nhận đây là giai đoạn quan trọng nhất của đàm phán, khi các nhà trung gian cho biết ông Witkoff chỉ xuất hiện trực tiếp khi 2 bên đã gần thống nhất các điều khoản chính.
Dự thảo thỏa thuận hiện gồm việc Hamas trả tự do cho 10 con tin và bàn giao thi thể của 18 con tin đã thiệt mạng, đổi lại một số lượng tù nhân an ninh Palestine chưa được xác định. Sau giai đoạn ngừng bắn tạm thời, các bên sẽ tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận vĩnh viễn và việc tiếp tục trả tự do cho con tin.
Tuần trước, các bên trung gian bày tỏ lạc quan khi Israel đồng ý nhượng bộ về phạm vi hiện diện quân sự tại Gaza trong thời gian ngừng bắn. Theo báo Jerusalem Post và đài truyền hình Kan (Israel), Israel đang đề xuất giữ lại lực lượng tại một vành đai an ninh rộng khoảng 1.100-1.200 m từ biên giới Israel–Gaza, tương tự phạm vi kiểm soát được thiết lập vào tháng 1 năm nay. Một số nguồn tin cũng xác nhận Israel muốn duy trì quyền kiểm soát hành lang Morag - khu vực then chốt chia tách Khan Yunis và Rafah ở phía Nam Gaza, như một phần của chiến lược gây áp lực đối với Hamas.
Tuy nhiên, cho đến đêm 22/7, Hamas vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về điều kiện này. Đầu tuần này, Hamas thông báo với các bên trung gian rằng họ không liên lạc được với lãnh đạo tại Gaza. Các nhà hòa giải đã cảnh báo Hamas rằng Mỹ có thể rút lại cam kết đảm bảo Israel ở lại bàn đàm phán nếu nhóm này không phản hồi một cách tích cực. Do sự trì hoãn trên, các bên chưa thể tiến hành đàm phán chi tiết về danh sách tù nhân an ninh sẽ được thả, khiến khả năng công bố thỏa thuận trong tuần này gặp khó khăn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz tuyên bố nước này hiện “đang ở thời điểm gần nhất" để đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự, với trọng tâm là giải cứu toàn bộ con tin và tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Một kế hoạch thiết lập vùng đệm cố định dọc biên giới Israel, gồm cả biên giới với Ai Cập và Jordan, cũng đang được quân đội nước này gấp rút hoàn thiện.
Trong bối cảnh đó, quan hệ Mỹ-Palestine đã ghi nhận bước thay đổi đáng chú ý, khi ngày 22/7, Phó Tổng thống chính quyền Palestine, ông Hussein al-Sheikh, có cuộc gặp chính thức đầu tiên với Đại sứ Mỹ tại Israel Mike Huckabee tại Ramallah. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên dưới thời Tổng thống Trump kể từ sau giai đoạn căng thẳng trong nhiệm kỳ trước.
Trên mạng xã hội X, ông al-Sheikh cho biết cuộc gặp bàn về các biện pháp thúc đẩy ngừng bắn, giải cứu con tin và khẩn trương đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Hai bên cũng thảo luận cuộc khủng hoảng kinh tế tại Bờ Tây, tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng của chính quyền Palestine, cũng như các vụ bạo lực của người định cư Do Thái vẫn tiếp diễn một cách thiếu kiểm soát.
Giới quan sát nhận định việc Palestine chấp nhận nối lại tiếp xúc với đại diện chính quyền Tổng thống Trump, bất chấp quan điểm cứng rắn của ông Huckabee về các khu định cư Do Thái, phản ánh rõ sức ép chính trị và tài chính mà lãnh đạo Palestine đang đối mặt, đồng thời cho thấy Mỹ đang tái định vị vai trò trung tâm trong tiến trình hòa giải khu vực.