Người dân Palestine tập trung tại một điểm phân phát thực phẩm cứu trợ ở Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Căng thẳng leo thang khi Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc (LHQ) Danny Danon tuyên bố tại Hội đồng Bảo an rằng OCHA "không còn là một cơ quan nhân đạo nữa" mà đã trở thành "cánh tay tuyên truyền của Hamas". Israel cáo buộc đã phát hiện bằng chứng về mối liên hệ giữa OCHA và Hamas, dẫn đến quyết định siết chặt kiểm tra an ninh đối với nhân viên của tổ chức này. Đáng chú ý, ông Jonathan Whittall, người đứng đầu OCHA tại các vùng lãnh thổ Palestine, bị yêu cầu rời khỏi Israel trước ngày 29/7.
Đáp lại những cáo buộc này, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric cho rằng chính Israel mới là bên gây cản trở khi không cấp đủ giấy phép cần thiết cho nhân viên LHQ tiếp cận nguồn viện trợ. Ông nhấn mạnh việc vận chuyển hàng viện trợ đòi hỏi sự chấp thuận của Israel, đồng thời chỉ ra dấu hiệu Israel không muốn tạo điều kiện cho nhân viên LHQ thực hiện nhiệm vụ.
* Cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo về nạn đói lan rộng ở Gaza khi việc cung cấp lương thực cho vùng lãnh thổ Palestine bị xung đột tàn phá này thấp hơn nhiều so với nhu cầu cần thiết cho sự sống còn của người dân.
Hơn 100 tổ chức viện trợ và các nhóm nhân quyền, trong đó có tổ chức Bác sĩ không biên giới và Oxfam, cũng đưa ra cảnh báo tương tự về "nạn đói hàng loạt" đang lan rộng ở Gaza.
Israel đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng trước tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza, nơi trên 2 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực và các nhu yếu phẩm khác sau 21 tháng xung đột. Ngay cả sau khi Israel bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa viện trợ kéo dài hơn 2 tháng vào cuối tháng 5, người dân Gaza vẫn đang phải chịu đựng tình trạng khan hiếm hàng hóa trầm trọng.