Tương lai EU hậu biến động ở Italy

Trang mạng của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) đăng bài viết của chuyên gia Janusz Bugajski đánh giá về tương lai của EU sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở Italy.

Cử tri Italy bỏ phiếu trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp Ảnh: ANSA

Trang mạng của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) đăng bài viết của chuyên gia Janusz Bugajskiđánh giá về tương lai của EU sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở Italy.


Theo ông Bugajski, kết quả trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở Italy tác động tiêu cực đến chính sách tăng cường hội nhập nội khối của ban lãnh đạo EU hiện nay. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc nổi lên, cuộc trưng cầu ý dân ở Italy cùng với các cuộc bầu cử quan trọng ở các nước thành viên EU năm 2017 sẽ quyết định tương lại của liên minh này: tiếp tục được củng cố, mở rộng hay bị thu hẹp lại.


Về thực chất, việc cử tri Italy phản đối cải cách hiến pháp và giảm bớt quyền lực của chính quyền ở 20 vùng của đất nước là thắng lợi của Phong trào 5 sao (M5S) – lực lượng chống lại các đảng phái chính trị truyền thống, và Liên minh phương Bắc – lực lượng theo xu hướng ly khai ở Italy. Thủ tướng Matteo Renzi đã ngay lập tức tuyên bố từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân, đẩy Italy vào giai đoạn bất ổn chính trị và nguy cơ phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.


Những cử tri phản đối chính phủ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự không hài lòng của công chúng đối với các đảng phái truyền thống ở Italy. Kết quả trưng cầu ý dân sẽ gia tăng ảnh hưởng của M5S, hiện đang ngang bằng với đảng Dân chủ của Thủ tướng Renzi trong các cuộc thăm dò dư luận. M5S là đảng đối lập lớn nhất ở Italy. Đảng này theo xu hướng hoài nghi châu Âu và chống lại các đảng phái chính trị truyền thống. M5S thu hút sự ủng hộ của cử tri thông qua các chương trình chống tham nhũng trong giới quan chức, bảo vệ môi trường, kiểm soát của người dân đối với nguồn nước và các tài nguyên khác, chống toàn cầu hóa và người nhập cư.


Luigi Di Maio - chính trị gia có khả năng trở thành thủ tướng nếu M5S giành chiến thắng trong bầu cử, cam kết sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và đàm phán lại về quá trình giải quyết nợ công của Italy. Viễn cảnh này không chỉ đe dọa tới các cam kết của Rome đối với EU mà còn đưa lại nguy cơ sụp đổ của Eurozone nếu Italy rời khỏi khu vực này. Thậm chí, nếu người Italy không lựa chọn rời khỏi Eurozone thì việc tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này cũng tác động tiêu cực tới thị trường và gia tăng áp lực đối với các nền kinh tế yếu hơn. Italy hiện là nền kinh tế lớn thứ tám trên thế giới và thứ ba trong EU. Triển vọng tiêu cực của nền kinh tế nước này sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế của EU cũng như thế giới.


Trưng cầu ý dân ở Italy khởi đầu cho một loạt các cuộc bầu cử trong thời gian tới có nguy cơ đe dọa tới quyền lực của Brussels. Cùng ngày với cuộc trưng cầu ý dân ở Italy, cử tri Áo cũng đã lựa chọn cựu lãnh đạo Đảng Xanh, ông Alexander Van der Bellen trở thành Tổng thống nước này chứ không phải là ứng viên cực hữu Norbert Hofer. Mặc dù thất bại nhưng đảng Tự do của ông Hofer cũng được hưởng lợi từ 47% cử tri ủng hộ ông này. Cuộc bầu cử Tổng thống trong tháng 4 và 5/2017 ở Pháp sẽ là cuộc cạnh tranh giữa ứng viên bảo thủ François Fillon và lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen. Bà Le Pen ủng hộ việc tiến hành trưng cầu ý dân về việc Pháp rời khỏi EU - “Frexit”. Thậm chí nếu bà Le Pen thất bại thì quan điểm chống Brussels và người nhập cư của bà này cũng sẽ tác động lớn tới sự lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử nghị viện diễn ra một tháng sau đó.


Đức - thành viên chủ chốt trong EU - sẽ tiến hành bầu cử tại các vùng quan trọng Schleswig-Holstein và North-Rhine Westphalia trong tháng 5/2017, sau đó là bầu cử nghị viện vào tháng 9 cùng năm. Trong một số cuộc bầu cử địa phương gần đây đảng chống người nhập cư “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) giành thắng lợi quan trọng trước Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel. AfD đã được 14,2% số cử tri ủng hộ và lần đầu tiên giành ghế trong nghị viện Berlin. Đây là thắng lợi đầu tiên của một đảng dân túy ở Đức kể từ khi nước này thống nhất cho đến nay. Việc tái cơ cấu nợ và cứu trợ Italy bằng tiền thuế của người dân Đức sẽ tiếp tục gia tăng tỉ lệ đối với AfD trong thời gian tới. Đảng CDU sẽ đối mặt với thách thức lớn trong các cuộc bầu cử sắp tới khi tỷ lệ ủng hộ đảng này đang giảm mạnh do chính sách nhân nhượng đối với người nhập cư của Berlin. Hiện chưa rõ liệu bà Merkel có tiếp tục chạy đua nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ tư hay không. Nguy cơ bà Merkel rút lui tác động tiêu cực đến các cam kết của Berlin đối với chính sách tăng cường hội nhập trong EU.


Hà Lan sẽ tổ chức bầu cử nghị viện trong tháng 3/2017. Đảng Tự do (PVV) theo xu hướng dân túy và hoài nghi châu Âu của ông Geert Wilders có cơ hội trong việc lập chính phủ khi tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với chiến dịch chấm dứt “Hồi giáo hóa Hà Lan” của đảng này đang tăng lên. Hiện PVV đang đứng thứ hai, chỉ sau đảng cầm quyền Dân chủ và Tự do trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây.


Các lực lượng dân túy và hoài nghi châu Âu cũng đang tăng cường lực lượng trước các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực Trung và Đông Âu. Séc sẽ tổ chức bầu cử hạ viện tháng 10/2017. Tỷ lệ ủng hộ đối với đảng cầm quyền – Đảng Dân chủ xã hội (CSSD) của Thủ tướng Bohuslav Sobotka giảm mạnh trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương gần đây. CSSD đã thất bại trước Phong trào ANO - thành viên của liên minh cầm quyền - do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis lãnh đạo. ANO đã tận dụng được sự mất lòng tin của cử tri Séc đối với các đảng phái truyền thống ở nước này. Chiến thắng của các đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở các nước thành viên chủ chốt Tây Âu chắc chắn sẽ đem lại lợi thế cho ANO.


Hungary sẽ tổ chức bầu cử nghị viện vào mùa xuân năm 2018. Thủ tướng Viktor Orban, một trong số những lãnh đạo hàng đầu theo xu hướng hoài nghi châu Âu, đã sẵn sàng cho việc chạy đua nhiệm kỳ tiếp theo trong bối cảnh Budapest phản đối mạnh mẽ chính sách tiếp nhập người nhập cư Syria của EU và đòi hỏi chủ quyền quốc gia lớn hơn.


Chuyên gia Bugajski kết luận, những năm tới sẽ là giai đoạn thử thách quan trọng đối với sự tồn tại của EU.


Hồng Tâm (P/v TTXVN tại CH Séc)
Thủ tướng Italy Matteo Renzi chính thức từ chức
Thủ tướng Italy Matteo Renzi chính thức từ chức

Thủ tướng Matteo Renzi đã chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella vào tối 7/12 theo giờ địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN