Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm vùng tự trị Azerbaijan giữa căng thẳng Nagorno-Karabakh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp gỡ người đồng cấp Ilham Aliyev của Azerbaijan trong bối cảnh hàng ngàn người đang chạy khỏi Nagorno-Karabakh.

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan gặp gỡ tại Nakhichevan ngày 25/9. Ảnh: Asbarez

Theo đài Al Jazeera, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 25/9 đã đến thăm vùng lãnh thổ tự trị Nakhchivan của Azerbaijan, nói rằng chiến thắng nhanh chóng ở Nagorno-Karabakh mang lại niềm tự hào.

Ông Erdogan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ca ngợi chiến thắng quân sự của Baku ở Nagorno-Karabakh sau khi Azerbaijan giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp này.

Trước đó, những người ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh, vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng có đa số người dân tộc Armenia, đã buộc phải ngừng bắn vào tuần trước sau một chiến dịch quân sự kéo dài 24 giờ của quân đội Azerbaijan.

Al Jazeera cho biết ngày 25/9, Tổng thống Erdogan đã đến Nakhchivan, nơi có đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, để hội đàm với Tổng thống Aliyev nhằm thảo luận về mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Hai nhà lãnh đạo Erdogan và Aliyev đã ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết “Tôi rất vui được đồng hành cùng tất cả các bạn khi chúng tôi kết nối Nakhchivan với thế giới Thổ Nhĩ Kỳ”.

Chú thích ảnh
Người Armenia tại Nagorno-Karabak tới trung tâm đăng ký của Bộ Ngoại giao Armenia gần biên giới. Ảnh: Asbarez

Hôm 25/9, chính quyền Armenia cho biết vài ngày sau cuộc giao tranh, những người tị nạn đầu tiên đã đến nước này vào ngày 24/9 và cho đến nay đã có 6.650 người đến.

Valery Airapetyan, một cư dân Nagorno-Karabakh, nằm trong số những người chạy sang Armenia. “Chúng tôi tìm được một lít xăng, bỏ chạy và đến đây”, Valery nói với phóng viên Al Jazeera khi đang trên hành trình rời Nagorno-Karabakh.

Trong cảnh rối loạn, hơn 200 người đã bị thương vào tối 25/9 tại một trạm xăng ngay bên ngoài thủ phủ Stepanakert của vùng ly khai, khi một thùng nhiên liệu phát nổ. Hàng chục người đang xếp hàng tại trạm xăng vào thời điểm đó khi họ tìm cách rời khỏi khu vực.

Hiện chưa rõ liệu có trường hợp tử vong nào hay không. Người phát ngôn Bộ Y tế Armenia Angelina Isakhanyan nói với hãng tin AP rằng có “vài chục người bị bỏng ở các mức độ khác nhau”.

Lãnh đạo Nagorno-Karabakh, Nikol Pashinyan cho biết ông dự kiến ​​khoảng 120.000 dân thường sẽ rời khu vực này để đến Armenia do “nguy cơ thanh lọc sắc tộc”.

Phần lớn người Armenia ở Karabakh không chấp nhận lời hứa của Azerbaijan về việc đảm bảo quyền lợi của họ. Nhưng ban lãnh đạo người dân tộc Armenia cho biết họ sẽ ở lại cho đến khi tất cả những người muốn rời Nagorno-Karakakh có thể ra khỏi vùng đất này. Họ kêu gọi người dân hạn chế tụ tập trên đường nhưng hứa cung cấp nhiên liệu miễn phí cho tất cả những người rời đi.

Mối quan ngại của Mỹ

Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ đã đến Armenia khi chính phủ nước này công khai căng thẳng với Nga - một trong nhiều dấu hiệu thay đổi trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn vốn là gốc rễ cuộc khủng hoảng ở Karabakh.

Nga cảnh báo Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan rằng ông phải chịu trách nhiệm về chiến thắng của Azerbaijan trước Karabakh vì đã nhất quyết tìm cách hợp tác với phương Tây hơn là hợp tác với Moskva và Baku vì hòa bình.

Moskva cho rằng ông Pashinyan đã "tránh hợp tác nhịp nhàng với Nga và Azerbaijan mà thay vào đó chạy sang phương Tây" để giải quyết cuộc khủng hoảng Karabakh.

Trong khi đó, vào hôm 24/9, ông Pashinyan cho biết Moskva đã không giúp đỡ Yerevan trong vấn đề Nagorno-Karabakh.

Về phần mình, Washington bày tỏ thái độ thận trọng đối với cuộc khủng hoảng Karabakh khi cử Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power và quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Châu Âu và Á-Âu Yury Kim đến Yerevan.

USAID cho biết trong thông báo về chuyến đi: “Chính phủ Mỹ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về điều kiện nhân đạo ở Nagorno-Karabakh và kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế và giao thông thương mại được tiếp cận không bị cản trở”.

Hàng thập kỷ xung đột

Nagorno-Karabakh nằm trong khu vực nằm dưới sự kiểm soát của người Ba Tư, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Nga, người Ottoman trong nhiều thế kỷ.

Sau khi Đế quốc Nga sụp đổ vào năm 1917, cả Azerbaijan và Armenia đều tuyên bố chủ quyền với Nagorno-Karabakh.

Chú thích ảnh
Lính gìn giữ hòa bình Nga giúp thường dân gốc Armenia sơ tán ở Nagorno-Karabakh ngày 21/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Năm 1921, Azerbaijan và Armenia trở thành một phần của Liên Xô. Nhà lãnh đạo Josef Stalin ban đầu cho phép Azerbaijan kiểm soát Nagorno-Karabakh, song vào năm 1923, ông biến nó thành khu tự trị với dân số hơn 90% là người Armenia.

Cuối những năm 1980, khi ảnh hưởng của Liên Xô suy giảm, Nagorno-Karabakh bỏ phiếu từ bỏ quy chế tự trị để trở thành một phần của Armenia. Azerbaijan tìm cách ngăn cản phong trào ly khai này, dẫn tới mâu thuẫn sắc tộc bùng nổ với Armenia. Sau khi hai nước tuyên bố độc lập khỏi Nga vào đầu những năm 1990, cuộc xung đột toàn diện đầu tiên nổ ra khiến hơn 30.000 người thiệt mạng.

Giao tranh kết thúc với lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào năm 1994, sau khi lực lượng Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận. Theo thỏa thuận, Nagorno-Karabakh vẫn là một phần của Azerbaijan, nhưng do lực lượng ly khai người Armenia lãnh đạo và được chính phủ Armenia hậu thuẫn.

Azerbaijan đã giành lại các vùng lãnh thổ trong và xung quanh Nagorno-Karabakh trong cuộc chiến tranh giành chủ quyền khu vực lần thứ hai vào năm 2020. Trong cuộc chiến này, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội Azerbaijan đã giành được nhiều lợi thế trước Armenia. Máy bay không người lái (UAV) Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được cho là đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công của Azerbaijan.

Theo thỏa thuận ngừng bắn hòa bình do Nga làm trung gian vào tháng 11/2020, Azerbaijan đã giành lại toàn bộ lãnh thổ xung quanh Nagorno-Karabakh do Armenia kiểm soát từ năm 1994. Lực lượng Armenia phải rút khỏi khu vực và phe ly khai chỉ còn giữ một phần nhỏ hơn của Nagorno-Karabakh.

Nga điều khoảng 2.000 lính gìn giữ hòa bình đến Nagorno-Karabakh để giám sát thỏa thuận ngừng bắn.

Khi Azerbaijan mở chiến dịch "chống khủng bố" ngày 19/9, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không có hành động can thiệp nào nhằm ngăn cản lính Azerbaijan, mà chủ yếu tập trung vào nỗ lực sơ tán dân thường khỏi khu vực giao tranh.

Theo Yerevan, hơn 200 người đã thiệt mạng và 400 người bị thương trong chiến dịch tuần trước của Azerbaijan.

Thủ tướng Armenia, Pashinyan đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình và kêu gọi từ chức vì thất bại của cộng đồng người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nga hy vọng vào hòa bình tại Nagorno-Karabakh
Nga hy vọng vào hòa bình tại Nagorno-Karabakh

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã liên lạc với tất cả các bên liên quan tới xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh, đồng thời bày tỏ hy vọng về một giải pháp hòa bình cho khu vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN