Điều khiến căng thẳng lại 'nóng lên' ở Nagorno-Karabakh

Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 19/9 thông báo đã bắt đầu chiến dịch “chống khủng bố” ở Nagorno-Karabakh. Cả Azerbaijan và Armenia đều tuyên bố chủ quyền với khu vực Nagorno-Karabakh sau khi Đế chế Nga suy tàn vào năm 1917. Từ đó đến nay, khu vực này vẫn là một điểm nóng căng thẳng.

Căn nguyên của tranh chấp

Chú thích ảnh
Bản đồ vị trí của vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: DW

Khu vực miền núi không giáp biển Nagorno-Karabakh là nguyên nhân gây ra hai cuộc xung đột giữa các nước láng giềng trong ba thập niên qua, gần đây nhất là vào năm 2020.

Người Armenia gọi Nagorno-Karabakh là Artsakh. Lãnh thổ này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, cư dân ở Nagorno-Karabakh chủ yếu là người dân tộc Armenia và có chính quyền riêng với liên hệ chặt chẽ với chính phủ Armenia. Armenia và các nước thành viên Liên hợp quốc chưa công nhận chính quyền này.

Người Armenia theo đạo Cơ đốc tự nhận có lịch sử thống trị lâu dài trong khu vực này. Trong khi đó cư dân Azerbaijan chủ yếu theo đạo Hồi, cũng gắn liền bản sắc lịch sử của mình với Nagorno-Karabakh. Họ cáo buộc người Armenia đã trục xuất người Azerbaijan sống gần đó vào những năm 1990. Do đó, người Azerbaijan muốn giành toàn quyền kiểm soát khu vực này, đồng thời đề nghị người dân tộc Armenia mang hộ chiếu Azerbaijan hoặc rời đi.

Cuộc chiến Nagorno-Karabakh đầu tiên

Dưới thời Liên Xô, Nagorno-Karabakh trở thành một khu tự trị thuộc nước cộng hòa Azerbaijan. Khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất (1988-1994) nổ ra. Khoảng 30.000 người đã thiệt mạng và hơn một triệu người phải di dời. Azerbaijan mất một phần lãnh thổ của mình, trong khi người Armenia nắm quyền kiểm soát phần lớn Nagorno-Karabakh. Azerbaijan cam kết sẽ giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ.

Cuộc chiến 44 ngày năm 2020

Năm 2020, sau nhiều thập kỷ giao tranh, Azerbaijan bắt đầu một chiến dịch quân sự dẫn đến Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai. Azerbaijan nhanh chóng chọc thủng hàng phòng ngự của Armenia và giành chiến thắng trong cuộc chiến 44 ngày, kiểm soát một phần Nagorno-Karabakh.

Nga đã tham gia đàm phán về lệnh ngừng bắn. Theo thỏa thuận, Azerbaijan được trao toàn bộ lãnh thổ xung quanh Nagorno-Karabakh. Điều đó khiến người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh bị thu hẹp lãnh thổ. Armenia coi kết quả của cuộc chiến là một thảm họa.

Thỏa thuận ngừng bắn này còn quy định lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai đến Nagorno-Karabakh để bảo vệ con đường duy nhất còn lại nối vùng đất này với Armenia có tên gọi Hành lang Lachin và xây dựng một tuyến đường mới dọc hành lang. Azerbaijan cam kết đảm bảo an toàn giao thông cả hai chiều dọc hành lang.

Căng thẳng leo thang

Chú thích ảnh
Hình ảnh chiến dịch “chống khủng bố” của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh ngày 19/9. Ảnh: AFP

Căng thẳng gia tăng mạnh mẽ trong tháng này khi Armenia và Azerbaijan cáo buộc nhau tăng cường quân đội. Armenia phàn nàn rằng xung đột tại Ukraine đã khiến Nga xao lãng vai trò bảo đảm an ninh ở Ngoại Kavkaz

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 19/9 tuyên bố bắt đầu chiến dịch chỉ vài giờ sau khi 4 binh sĩ và 2 người dân thường thiệt mạng trong các vụ nổ mìn ở vùng Nagorno-Karabakh đồng thời quy trách nhiệm cho lực lượng ly khai Armenia. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết “các hành lang nhân đạo” đã được tạo ra để “sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm”.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan đồng thời lên tiếng đề nghị "quân đội người dân tộc Armenia rút quân hoàn toàn" và giải tán chính quyền ở Stepanakert thuộc Nagorno-Karabakh.

Chú thích ảnh
Người dân sơ tán khi nghe thấy tiếng nổ tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phát biểu trên truyền hình cáo buộc: “Azerbaijan đã bắt đầu một chiến dịch trên bộ nhằm mục đích thanh lọc sắc tộc đối với người Armenia ở Nagorno-Karabakh". Ông nói thêm rằng quân đội Armenia không hiện diện trong khu vực và hiện tại “tình hình dọc toàn bộ biên giới của Armenia với Azerbaijan ổn định”.

Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Azerbaijan dừng "ngay lập tức" các hoạt động quân sự ở Nagorno-Karabakh. Ngày 19/9, Nga cho biết họ chỉ nhận được thông báo về hoạt động của Azerbaijan "vài phút" trước khi nước này triển khai chiến dịch.

Lãnh đạo lực lượng ly khai người dân tộc Armenia tại Nagorno Karabakh vào ngày 19/9 đã đề nghị ngừng bắn.

Các nhà phân tích cho rằng những vòng đàm phán liên tiếp, do EU, Mỹ và Nga làm trung gian, đã đưa hai bên đến gần hơn với một hiệp ước hòa bình lâu dài, nhưng thỏa thuận cuối cùng vẫn khó đạt được.
Vấn đề nhạy cảm nhất vẫn là tình trạng của 120.000 người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh, những người mà Armenia cho rằng quyền lợi và an ninh của họ phải được đảm bảo.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, CNN)
Azerbaijan chặn huyết mạch nối Nagorno-Karabakh với Armenia
Azerbaijan chặn huyết mạch nối Nagorno-Karabakh với Armenia

Baku tuyên bố đình chỉ giao thông trên hành lang Lachin, huyết mạch nối vùng Nagorno-Karabakh với Armenia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN