Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 24/6

Theo trang thống kế worldometers.info, tính đến 22h ngày 24/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 180.477.133 ca bệnh COVID-19, trong đó có 3.909.661 ca tử vong. Hiện hơn 165,17 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 11,39 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Chú thích ảnh
 Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tính đến nay, Mỹ có tổng cộng 618.302 ca tử vong trong tổng số hơn 34,4 triệu ca nhiễm. Tại New York, Thống đốc bang Andrew Cuomo thông báo sẽ kết thúc tình trạng thảm họa cấp bang vào ngày 24/6 nhờ những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Đứng thứ hai về số ca mắc là Ấn Độ với hơn 30 triệu ca, trong đó có 392.123 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc với hơn 18,1 triệu ca, trong khi đứng thế hai thế giới về số ca tử vong với 507.240 ca. Riêng trong ngày 23/6, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục với 115.228 ca mắc và 2.343 ca tử vong. Bộ Y tế Brazil nhấn mạnh con số trên cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của dịch bệnh bất chấp nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được thúc đẩy mạnh mẽ. 

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi nhiều nước ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Indonesia thông báo có thêm 20.574 ca mới, mức cao nhất từ trước đến nay và 355 ca tử vong. Hiện Indonesia là nước có số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, với 2.053.995 ca nhiễm, trong đó có 55.949 ca không qua khỏi.

Philippines ghi nhận thêm 6.043 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.378.260 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại cũng vượt mốc 24.000 lên 24.036 ca, sau khi ghi nhận thêm 108 ca tử vong. Hiện Philippines đã tiêm được 8,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu cho các nhân viên y tế tuyến đầu, người già và những người có bệnh lý nền.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 7/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, Malaysia phát hiện thêm 5.841 ca mắc COVID-19 và 84 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và số người tử vong lần lượt thành 716.847 và 4.721 người. Theo Bộ Y tế Malaysia, từ ngày 20-22/6, nước này đã phát hiện thêm 6 ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 thuộc diện cần quan tâm. Trong đó, 5 ca nhiễm biến thể Beta được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi và 1 ca nhiễm biến thể Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ. Hiện Chính phủ Malaysia đang triển khai Chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc miễn phí tới toàn bộ người dân.

Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 4.108 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu tháng này. Theo đó, tổng số ca mắc tại Thái Lan hiện là 232.647 ca. Thủ đô Bangkok vẫn là khu vực có số ca mắc mới cao nhất cả nước với thêm 1.359 ca trong 24 giờ qua. Cơ quan y tế tại đây đang phải xử lý 99 ổ dịch. Với thêm 31 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca không qua khỏi tại Thái Lan tăng lên thành 1.775 ca.

Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 đang giảm mạnh tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công. Cụ thể, số ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô hiện giảm mạnh xuống khoảng 100-200 ca/ngày, so với 400-500 ca/ngày tháng trước. Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 ở Phnom Penh đã dịu bớt, nhưng nhiều tỉnh khác ở Campuchia như Koh Kong, Ratanakiri, Kampong Cham, Takeo, Kampot, Svay Rieng và Kep đang đối mặt với số ca lây nhiễm liên tục tăng 2 chữ số mỗi ngày. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đã vượt ngưỡng 45.000 ca (cụ thể là 45.366 ca). Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 655 ca mắc mới, trong đó có 72 ca nhập cảnh và có thêm 18 người tử vong, đưa tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 493 người.

Lào cùng ngày ghi nhận 4 ca mới, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.080 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 ca tử vong. Với trên 1,3 triệu mũi đã tiêm, Lào chỉ ghi nhận 104 ca có biến chứng và hầu hết là triệu chứng nhẹ, không có ca tử vong.

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng các quy định cách ly đối với những người đến từ một số nước châu Âu, khu vực Trung Đông và 6 bang của Mỹ. Cụ thể, những người đến từ CH Séc, Hungary, Liban và 6 bang của Mỹ gồm Connecticut, Iowa, Michigan, New York, Rhode Island và Tennessee sẽ không phải cách ly ở các cơ sở do Chính phủ Nhật Bản chỉ định sau khi nhập cảnh. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản đưa 9 quốc gia và khu vực vào danh sách các vùng có rủi ro cao do sự lây lan của biến thể Delta. Các quốc gia và khu vực này gồm: Nam Phi, Estonia, Kyrgyzstan, Peru, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, bang Arkansas của Mỹ và bang Parana của Brazil.

Cùng ngày, Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) thông báo thành phố này sẽ cấm các chuyến bay chở khách từ Indonesia từ ngày 25/6, do lo ngại những người tới từ quốc đảo này có nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Hiện Hong Kong đã cấm các chuyến bay từ Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Philippines để phòng sự lây lan của dịch bệnh.

Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 tại Nga đang diễn biến hết sức phức tạp khi nước này ngày 19/6 ghi nhận thêm 20.182 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 24/1 vừa qua. Theo nhà chức trách, nguyên nhân dẫn đến số ca mắc tăng mạnh là do sự xuất hiện của biến thể Delta, được cho là có tỷ lệ lây lan nhanh hơn và tỷ lệ người dân tiêm chủng còn thấp. Với 131.463 ca tử vong trong tổng số hơn 5,38 triệu ca mắc, hiện Nga là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực châu Âu. 

Trong khi đó, Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 23/6 thông báo nước này ghi nhận lượt tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở mức kỷ lục với 680.540 lượt tiêm trong vòng 24 giờ qua, qua đó củng cố mục tiêu 70% dân số nước này được tiêm đầy đủ vào cuối tháng 8. Tính đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 80.748 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 3.773.032 ca mắc.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận 5.809 ca mắc mới và 65 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 5.387.545 ca và 49.358 ca. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca thông báo nước này sẽ mở rộng đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19, theo đó những người 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 25/6 tới. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, Argentina hiện đang là điểm nóng tại khu vực với 27.319 ca mắc mới và 705 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 4.326.101 người và số trường hợp không qua khỏi là 90.986 người.

Colombia cũng ghi nhận thêm 29.995 ca mắc và 645 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 4.027.016 và 101.947. Cuba thông báo thêm 2.055 ca mắc mới, mức cao nhất tính theo ngày kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên. Tính đến nay, đảo quốc này đã ghi nhận tổng cộng 172.702 bệnh nhân COVID-19. Hiện giới chức thủ đô La Habana đang thúc đẩy chương trình tiêm chủng tại thành phố này, với kế hoạch tiêm cho toàn bộ 2,2 triệu người dân vào cuối tháng 7.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris thông báo sau 5 tháng triển khai tiêm chủng đại trà, 80,26% đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng, tương đương 12.199.649 người, đã được tiêm ít nhất một mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Ông nhấn mạnh với số liệu này, nước này đã hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Triển khai từ đầu tháng 2, tới nay đã có 21.724.741 liều vaccine được tiêm tại nước này.

Phương Oanh (TTXVN)
Mỹ nghiên cứu mức độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 với thai phụ, sản phụ
Mỹ nghiên cứu mức độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 với thai phụ, sản phụ

Ngày 23/6, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông báo các nhà khoa học nước này bắt đầu triển khai nghiên cứu đánh giá các phản ứng miễn dịch sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở phụ nữ mang thai hoặc sau sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN