Đại dịch COVID-19 khiến tuổi thọ người Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 1945

Đại dịch COVID-19 có lẽ đã gây ra sự suy giảm tuổi thọ tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh cho biết.

Chú thích ảnh
Đại dịch COVID-19 khiến tuổi thọ người Mỹ giảm nhiều nhất kể từ năm 1945. Ảnh: AP

Theo trang The Guardian (Anh), từ năm 2018 đến năm 2020, tuổi thọ của người Mỹ đã giảm 1,87 năm, giảm hơn 8,5 lần so với mức suy giảm tuổi thọ trung bình ở 16 quốc gia ngang hàng và là mức giảm mạnh nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 (năm 1945).

Sự suy giảm này dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách tuổi thọ giữa Mỹ và các quốc gia phát triển khác, một số quốc gia trong số này đã chứng kiến sự gia tăng tuổi thọ ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

“Khi đại dịch bùng phát, tôi không nghĩ rằng nó sẽ có tác động lớn đến khoảng cách đã tồn tại trước đó giữa Mỹ và các quốc gia khác. Đó là một đại dịch toàn cầu và tôi cho rằng mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng. Điều tôi không lường trước được là Mỹ sẽ phải đối mặt với đại dịch tồi tệ như thế nào và số người chết khổng lồ mà Mỹ sẽ phải hứng chịu”, Tiến sĩ Steven Woolf, tác giả chính của nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Xã hội và Sức khoẻ của Đại học Virginia Commonwealth, nói.

Trên 600.000 người đã chết trong đại dịch COVID-19 ở Mỹ kể từ năm 2020. Con số này tiếp tục tăng mạnh ngay cả khi các nỗ lực tiêm chủng đã làm giảm đáng kể các trường hợp mắc mới và tử vong. Các nhóm chủng tộc, dân tộc thiểu số và những người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng không tương xứng, có tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy người da màu và người gốc Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch, giảm lần lượt 3,88 và 3,25 năm tuổi thọ. Trong khi người da trắng chỉ giảm 1,36 năm tuổi thọ.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy về cơ bản Mỹ có tuổi thọ thấp hơn các quốc gia phát triển khác. Từ năm 2010 đến năm 2018, khoảng cách về tuổi thọ giữa Mỹ và các quốc gia này đã tăng từ 1,88 lên 3,05 năm. Vào năm 2020, khoảng cách đó lại tăng thêm 1,87 năm, sự sụt giảm lớn khiến khoảng cách về tuổi thọ giữa Mỹ và các quốc gia tăng lên 4,69 năm.

Sự sụt giảm tuổi thọ đáng kể của người da màu và người gốc Tây Ban Nha được cho là đã "quét sạch" những tiến bộ trong một thập kỷ xoá bỏ khoảng cách chủng tộc về tuổi thọ. Đàn ông da màu ở Mỹ hiện có thể sống được 67,73 năm, ngang với tuổi thọ của nhóm này vào năm 1998.

Các nhà nghiên cứu không thể ước tính tác động đến tuổi thọ của người Mỹ bản địa, người dân đảo Thái Bình Dương hoặc người châu Á, mặc dù họ cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch, do Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia không thu thập dữ liệu các nhóm chủng tộc này.

Vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đã phân tích số người chết bất thường của Mỹ dựa trên các vấn đề lâu đời và phức tạp, như cơ hội không bình đẳng, không được đầu tư vào sức khỏe cộng đồng của người da màu. Các tác giả lưu ý rằng một tỉ lệ đáng kể nhưng không rõ những người mắc COVID-19 trong nhóm này có thể có các triệu chứng "kéo dài".

“Đại dịch sẽ có những ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đến các yếu tố quyết định xã hội đối với sức khỏe, thay đổi điều kiện sống ở nhiều cộng đồng và thay đổi quỹ đạo cuộc đời giữa các nhóm tuổi. Việc hiểu đầy đủ về hậu quả sức khỏe của những thay đổi này đặt ra một thách thức khó khăn nhưng quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai”, các nhà khoa học nhấn mạnh.

Trong khi đó, phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với đại dịch dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump cũng được nhiều người cho là thiếu sót khi nhận thức quá chậm trễ về mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Hải Vân/Báo Tin tức
Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III qua đời ở tuổi 61
Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III qua đời ở tuổi 61

Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã qua đời sáng ngày 24/6 ở tuổi 61.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN