Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 24/5: Dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt; chỉ còn Indonesia và Philippines có ca tử vong mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.393 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước.

Chú thích ảnh
 Một em nhỏ được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 5/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ còn hai nước Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới và tử vong tại những điểm nóng như Singapore hay Indonesia đều giảm.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.441 người dân ở khu vực này, tăng 26 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 33.078 trường hợp.

Trong vòng 1 ngày qua, Singapore ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 548 ca và tới thời điểm này Singapore cũng là nước có tổng số ca dương tính nhất. Song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.372 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 24/5

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Singapore 31.616 +548 23   14.876
Indonesia 22.271 +526 1.372 +21 5.402
Philippines 14.035 +258 868 +5 3.249
Malaysia 7.245 +60 115   5.945
Thái Lan 3.040   56   2.921
Việt Nam 325 +1     267
Myanmar 201   6   122
Brunei 141   1   136
Cambodia 124       122
Timor-Leste 24       24
Lào 19       14
Chú thích ảnh
 Người dân thủ đô Bangkok đi mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa phòng chống COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: Ngọc Quang-TTXVN

Thái Lan trong ngày 24/5 không ghi nhận thêm ca mắc bệnh COVID-19 và ca tử vong nào, duy trì ở mức 3.040 ca nhiễm và 56 ca tử vong kể từ khi dịch bẹnh bùng phát hồi tháng 1 vừa qua.

Theo người phát ngôn lực lượng ứng phó với dịch COVID-19 của Thái Lan Panprapa Yongtrakul, đây là ngày thứ 4 trong tháng 5 này, Thái Lan không phát hiện ca nhiễm mới nào trong ngày. Số trường hợp phục hồi là 2.921 người.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa sẽ bắt đầu có hiệu lực trên toàn quốc vào ngày 1/6. Người phát ngôn của CCSA, Tiến sĩ Taweesin Visanuyothin cho biết trong những ngày tới giới chức nước này sẽ thảo luận về giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa và sẽ ra quyết định vào ngày 29/5 tới để có hiệu lực vào ngày 1/6.

Theo ông, cuộc thảo luận sẽ tập trung đánh giá các loại hình kinh doanh sẽ được phép hoạt động trở lại. Ông nêu rõ những hoạt động kinh doanh sẽ không được phép mở cửa trở lại là những hoạt động tiềm ẩn rủi ro cao như câu lạc bộ đêm, hay bất kỳ hoạt động kinh doanh nào có liên quan tới tiếp xúc cơ thể. 

Chú thích ảnh
 Hành khách tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore ngày 24/5 ghi nhận 548 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nhiều nhất khu vực, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 31.616 người. Dù số ca mắc cao, song Singapore kìm số người tử vong ở mức khá thấp, với chỉ 23 ca tất cả.

Cơ quan hàng không dân dụng Singapore (CAAS) cho biết kể từ ngày 2/6 nước này sẽ cho phép du khách được quá cảnh sân bay Changi, sau khi "đảo quốc sư tử" từ ngày 1/6 chấm dứt thực hiện các biện pháp phong tỏa để đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Đây là một phần trong chiến lược tích cực mở cửa trở lại ngành vận tải hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và người dân Singapore.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang, Indonesia ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia dù đã chứng kiến số ca mắc mới giảm đáng kể so với tuần trước, song quốc gia vạn đảo vẫn là điểm dịch nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN.

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 21 ca tử vong và 526 ca dương tính, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này lên lần lượt 22.271 ca và 1.372 ca.

Trước đó, Lực lượng  Đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia cho biết tình trạng khẩn cấp do đại dịch sẽ được duy trì tới sau ngày 29/5. Trong một tuyên bố, người đứng đầu lực lượng này, Doni Monardo, cho biết hiện Tổng thống Joko Widodo đã ký ban hành Sắc lệnh Tổng thống số 12/2020 về việc công bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19. Do vậy, nếu sắc lệnh này chưa được thu hồi, tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.

Cũng theo ông Doni, việc duy trì tình trạng khẩn cấp phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố chính. Một là, dịch bệnh tiếp tục gây thiệt hại về sinh mạng, tổn thất vật chất, lây lan rộng hơn và gây tác động đối với lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hai là, tình hình thế giới sau khi Tổ chức Y tế thế giới ban hành tình trạng đại dịch toàn cầu.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Nam Tangerang, Indonesia, ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Doni khẳng định rằng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu vẫn chưa kết thúc và chưa phát hiện ra vắc-xin cũng như các phương pháp chữa trị, việc duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia vẫn là điều cần thiết nhằm bảo vệ người dân trước dịch bệnh. Tuy nhiên, quan chức này cũng đồng thời đề nghị nới lỏng các hạn chế xã hội tại 124 thành phố và khu vực không có trường hợp mắc COVID-19 nhằm thúc đẩy nền kinh tế. 

Theo ông, 124 thành phố và khu vực của nước này thực sự có thể đủ điều kiện để mở rộng hoạt động, nhất là những hoạt động hỗ trợ kinh tế. Ông cho biết một số thành phố và khu vực không có ca mắc COVID-19 do vị trí địa lý và đông đảo người dân tuân thủ lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, ông sẽ lắng nghe quan điểm của giới chức các thành phố và khu vực này đối với đề nghị này. 

Chú thích ảnh
 Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà tang lễ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 24/5, Philippines ghi nhận 5 ca tử vong và 258 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Tới nay, Philippines đã có tổng cộng 14.035 trường hợp mắc COVID-19 và 868 người thiệt mạng vì dịch bệnh này, nhiều thứ hai khu vực Đông Nam Á.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu người dân nhẫn nại và kiên cường hơn trong bối cảnh đất nước đang gồng mình khắc phục hậu quả của dịch. Ông Duterte cho rằng dịch bệnh có thể còn kéo dài thêm nhiều tháng trước khi chấm dứt. Tổng thống Philippines khẳng định Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm nhẹ những khó khăn do đại dịch gây ra.   

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Petaling Jaya, Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Dù nước này vẫn ghi nhận các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới, song nhiều ngày qua Malaysia không có ca tử vong nào.

Trong ngày 24/5, Malaysia có thêm 60 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên thành 7.245 trường hợp, trong đó có 115 người tử vong.

Văn phòng Thủ tướng Malaysia thông báo Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ phải cách ly tại nhà 14 ngày sau khi một quan chức tham dự cuộc họp gần đây do ông chủ trì có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19.

Theo thông cáo, Thủ tướng Muhyiddin đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với COVID-19. Tất cả các quan chức khác tham dự cuộc họp nói trên được chỉ thị phải xét nghiệm virus và tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Chú thích ảnh
Một điểm du lịch nổi tiếng ở Lào. Ảnh: Getty

Tính tới ngày 24/5, Lào đã không có ca nhiễm mới trong hơn 40 ngày liên tiếp. Thứ trưởng Y tế Lào Phouthone Meuangpak cho biết về cơ bản, các cửa khẩu quốc tế của Lào tiếp giáp với các nước láng giềng đã được mở cửa trở lại cho các hoạt động vận tải hàng hóa và xuất-nhập cảnh đối với những trường hợp đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định và được cơ quan chức năng cho phép.

Theo quy định, công dân Lào, ngoại kiều, người nước ngoài có ý định xuất-nhập cảnh Lào phải tiến hành làm hồ sơ xin phép Ủy ban chuyên trách hoặc theo Hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Lào hoặc thực hiện theo quy định của quốc gia đích đến, sau đó có thể di chuyển và chấp hành quy định, biện pháp về phòng dịch của quốc gia đó.

Cũng theo quy định của Bộ Ngoại giao Lào, người nhập cảnh vào nước này cần đáp ứng và thực hiện một số thủ tục.

Chú thích ảnh
Người dân Lào đeo khẩu trang để phòng lây lan virus SARS-CoV-2. Ảnh: THX

Tính đến nay, Lào đã xét nghiệm tổng cộng trên 4.800 ca nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó có 19 người dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 14 người đã khỏi bệnh. Giới chức Lào khẳng định 5 bệnh nhân COVID-19 còn lại ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ.

Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào Rattanaxay Phetsavanh, 5 bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab (Bệnh viện 150) chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất cứ biểu hiện nào đáng ngại.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Đoàn kết khu vực là chìa khóa để ASEAN ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19
Đoàn kết khu vực là chìa khóa để ASEAN ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19

Trong bài phân tích đăng trên báo Bangkok Post ngày 23/5, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), Tiến sĩ Nehginpao Kipgen, cùng trợ lý nghiên cứu Aakriti Bansal thuộc trung tâm trên, nhận định đoàn kết khu vực là chìa khóa để các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN