Tình hình COVID-19 hết ngày 20/5 tại ASEAN: Toàn khối có 1.574 ca mắc trong 24 giờ qua, Indonesia và Singapore chiếm 80%

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 20/5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 72.640 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 2.283 ca tử vong. Chỉ còn ba nước trong khu vực có số ca mắc hàng ngày cao.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Petaling Jaya, Selangor, Malaysia ngày 10/5. Ảnh: THX/TTXVN

Về số ca mắc trong 24 giờ qua, toàn khối có 5 quốc gia ghi nhận ca mắc mới. Trong đó, Indonesia có số ca mắc mới cao nhất, tiếp đó là Singapore và Philippines. Các nước này đều có số ca mắc ở mức ba con số. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 31 trường hợp mới, còn Thái Lan chỉ có thêm một ca. Năm nước còn lại không có ca mắc nào trong 24 giờ qua.

Về số ca tử vong, toàn khối ghi nhận 26 ca ở hai nước là Indonesia (21 ca) và Philippines (5 ca) trong 24 giờ qua. Các nước còn lại không có ca tử vong nào.

Nhìn chung, ASEAN được đánh giá là phòng chống dịch COVID-19 tương đối tốt so với các khu vực khác trên thế giới.

Diễn biến tại 3 nước có số ca mắc cao nhất ASEAN

Indonesia

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Surabaya, Indonesia ngày 20/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban chống COVID-19 của Indonesia ngày 20/5 thông báo nước này có 693 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong một ngày và đưa tổng số ca nhiễm lên 19.189 ca. Tổng số ca tử vong tại Indonesia đã tăng lên 1.242 ca, trong khi 4.575 ca khỏi bệnh.  

Phát biểu tại Ban điều hành toàn cầu của tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia Nahdlatul Ulama (PCINU) ở thủ đô Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc trong tương lai gần do một số quốc gia có số ca mắc gia tăng đáng báo động. Ngoài ra, một số quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai do các trường hợp có nguồn gốc từ nước ngoài. 

Mặc dù trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý I của năm 2020 vẫn tốt hơn các quốc gia khác. Trong quý I/2020, nền kinh tế của Indonesia tăng trưởng 2,97%, thấp hơn so với 5,07% trong quý I/2019 nhưng chắc chắn tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020 sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng trải qua sự suy giảm mạnh hơn.

Singapore 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại ký túc xá dành cho người lao động nước ngoài ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore ghi nhận 570 ca mới, đưa tổng số ca lên 29.364, trong khi số ca tử vong vẫn là 22 ca. Ngoài ra, Singapore có 10.365 ca đã bình phục. 

Các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó với dịch COVID-19 đang được áp dụng tại Singapore sẽ kết thúc vào ngày 1/6 và nước này sẽ dần khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn trong vài tháng sau đó. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 2/6, Singapore sẽ thực hiện giai đoạn 1 một cách hết sức thận trọng, theo đó nhiều hạn chế vẫn sẽ được tiếp tục áp dụng như hiện nay. Giai đoạn này được cho là sẽ kéo dài ít nhất 4 tuần. Nếu tình hình diễn biến thuận lợi sẽ triển khai giai đoạn chuyển tiếp thứ hai, có thể kéo dài trong vài tháng. Các biện pháp kiểm soát sẽ được nới lỏng trong giai đoạn 3 dưới trạng thái "bình thường mới" cho tới khi có vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. 

Bộ trưởng Công Thương Singapore Chan Chun Sing cho biết trong giai đoạn 1 được xác định là “mở cửa trở lại an toàn”, khoảng 1/3 số lao động của nước này sẽ được quay trở lại làm việc, số còn lại sẽ tiếp tục làm việc tại nhà, theo đó đảm bảo khoảng 3/4 nền kinh tế Singapore nối lại các hoạt động bình thường. Những lĩnh vực và doanh nghiệp chủ chốt có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn sẽ được ưu tiên.

Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng tiếp tục đóng cửa. Trường học sẽ được mở cửa dần vào tháng 6, một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe và một số nơi thờ tự tín ngưỡng cá nhân sẽ được hoạt động trở lại. Các hoạt động tập hợp xã hội vẫn bị cấm, ngoại trừ việc thăm viếng người thân nhưng cũng chỉ giới hạn trong một ngày và tối đa hai người sống trong cùng một nhà. 

Chú thích ảnh
Một số dịch vụ được mở cửa trở lại ở Singapore. Ảnh: THX

Nếu tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức thấp và ổn định, đồng thời tình hình ở các khu lao động nước ngoài vẫn trong tầm kiểm soát, Singapore sẽ chuyển sang giai đoạn 2 “chuyển tiếp an toàn”. Trong giai đoạn này, người dân có thể tiến hành nhiều hoạt động xã hội hơn. Nhiều doanh nghiệp hơn sẽ được phép mở cửa trở lại, trong đó có các cửa hàng bán lẻ, các trung tâm bồi dưỡng giáo dục… Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng. 

Nếu giai đoạn 2 diễn ra thuận lợi, Singapore sẽ bước vào giai đoạn trạng thái bình thường mới được gọi là “quốc gia an toàn”, theo đó hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng sẽ được nối lại, tuy nhiên sẽ giới hạn về quy mô, người tham gia các phương tiện công cộng vẫn phải đeo khẩu trang. Singapore cũng sẽ mở cửa dần biên giới đối với việc đi lại thiết yếu. Tuy nhiên, điều này sẽ được thực hiện tách biệt với 3 giai đoạn khởi động lại nền kinh tế. 

Các ca nhiễm mới có thể tăng lên khi các hoạt động được nối lại. Vì vậy, các biện pháp nghiêm ngặt hơn có thể được áp đặt trở lại vào bất kỳ thời điểm nào nếu tình hình trở nên xấu đi.

Philippines

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra các mẫu khẩu trang y tế tại Manila, Philippines ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ngày 20/5 ghi nhận 279 ca nhiễm, cao nhất trong một ngày trong vòng 9 ngày qua và nâng tổng số ca nhiễm lên 13.221 ca. Philippines có thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 842 ca. 

Bộ trưởng Y tế nước này Francisco Duque nhận định Philippines đang đối mặt với làn sóng nhiễm COVID-19 thứ hai.

Thái Lan hạ lãi suất thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế

Chú thích ảnh
Kiểm đồng bath Thái tại một cửa hàng đổi tiền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) ngày 20/5 đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục, từ 0,75% xuống còn 0,5% nhằm giúp giảm nhẹ tác động kinh tế của dịch COVID-19 cũng như các biện pháp giãn cách xã hội.

Đây là lần thứ hai MPC cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm nay khi nền kinh tế Thái Lan sụt giảm sâu hơn so với dự báo trước đó do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thư ký MPC Titanun Malikamas cho biết được thông qua với tỉ lệ phiếu 4-3, quyết định này đã có hiệu lực ngay lập tức.

Kinh tế Thái Lan đang có nguy cơ suy thoái sau khi giảm 1,8% trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV/2011 khi đất nước này phải hứng chịu lũ lụt. Sự sụt giảm trên đã khiến cho Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan phải hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế xuống mức âm 5-6% trong năm nay so với mức dự báo tăng 1,5-2,5% đưa ra hồi tháng 2/2020. Trước đó, BoT cũng khuyến cáo rằng nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này sẽ trải qua tình trạng tồi tệ nhất trong quý II/2020 trước khi có sự cải thiện trong các quý tiếp theo. 

Phnom Penh đóng cửa nhà hàng không phòng chống dịch

Nhật báo Khmer Times đưa tin, Thị trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã đưa ra cảnh báo nếu nhà hàng nào không tuân thủ hướng dẫn y tế phòng chống và ngăn chặn COVID-19 thì sẽ bị đóng cửa cho tới khi tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy định này. 

Thị trưởng Phnom Penh lưu ý người dân về hiện tượng thiếu tôn trọng và đang bỏ qua những quy định, hướng dẫn an toàn. Một số chủ nhà hàng, quán ăn không thực hiện các biện pháp do Bộ y tế Campuchia quy định, không chuẩn bị cồn rửa tay đặt tại cửa ra vào, cử nhân viên kiểm tra thân nhiệt khách hàng nhằm bảo vệ cá nhân và khách hàng.

Hưởng ứng chỉ đạo của chính quyền thành phố Phnom Penh, bà Hak Lina, Chủ tịch Hiệp hội nhà hàng Campuchia kêu gọi các hộ kinh doanh hàng ăn uống tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn làn sóng bùng phát lần thứ hai dịch COVID-19.

Ngày 20/5, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Italy, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, từng áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, khách nước ngoài sẽ vẫn phải có một chứng nhận khẳng định họ không nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú tại Campuchia. Họ cũng sẽ phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh tại khu vực được chính phủ chỉ định và phải xét nghiệm virus gây bệnh.

Giới học giả: ASEAN đã đối phó dịch bệnh khá tốt

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

ASEAN đã đối phó khá tốt với dịch COVID-19 khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2020. Đó là nhận định chung của các học giả và quan chức ASEAN tại buổi thảo luận trực tuyến "ASEAN ở đâu trong COVID-19" do Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore tổ chức ngày 20/5.

Tham dự buổi thảo luận có Đại sứ Kok Li Peng, Trưởng phái đoàn thường trực Singapore tại ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương và các chuyên gia, học giả uy tín hàng đầu của Singapore đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA), Trung tâm Luật Quốc tế-Đại học Quốc gia Singapore, Trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương.

Các học giả và quan chức ASEAN tại Singapore cho rằng thực tế ASEAN đã làm rất tốt với tư cách là một khối thống nhất tại khu vực, không chỉ trong đối phó với dịch COVID-19 mà còn trong việc cân bằng quan hệ với các đối tác chủ chốt.

Ông Simon Tay, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Singapore nhận định về tổng thể, ASEAN làm tốt công tác đối phó với dịch bệnh COVID-19, tất nhiên chưa phải là hoàn hảo. Trong khi đó, Tiến sĩ Tan Hsien-Li, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách ASEAN, Trung tâm Luật Quốc tế đánh giá cần nhận thức đúng đắn rằng các tổ chức quốc tế, khu vực không thể làm thay công việc của các quốc gia. ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực đã làm tốt trách nhiệm của khối này.

Bà Tan Hsien-Li nhận định nhiều người cho rằng các hội nghị trực tuyến của ASEAN chỉ là chia sẻ thông tin, bàn thảo mà không có hành động thực tế. Tuy nhiên, bản thân việc chia sẻ thông tin cũng đã rất quan trọng, giúp các nước nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh, cách phòng chống và những tác động tiêu cực. Trên cơ sở thông tin đó, các nước đã làm tốt công tác định hướng thông tin cho người dân, chống lại tin giả hay sự phân biệt đối xử với những người mắc bệnh.

Cùng chung quan điểm trên, Giáo sư Tommy Koh, Chủ tịch Trung tâm Luật Quốc tế cho hay ASEAN đã có sự chuẩn bị nhờ kinh nghiệm từ đại dịch SARS 2003 và đã làm tốt công tác đối phó với dịch COVID-19. Có thể thấy, đoàn kết và hợp tác là hai đặc tính quan trọng của ASEAN trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Các nước ASEAN đã tích cực trợ giúp lẫn nhau. Chẳng hạn như Việt Nam và Brunei đã hỗ trợ các nước trong khối về trang thiết bị phòng chống dịch, hay Singapore và Malaysia đã nhanh chóng phối hợp hỗ trợ các lao động bị mắc kẹt.

Chú thích ảnh
 Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương. Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN

Khi được hỏi về trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương cho rằng dịch COVID-19 xảy ra đã khiến một loạt hội nghị của ASEAN bị trì hoãn. Dù vậy, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN và các nước thành viên đã "hành động sớm, hành động phối hợp và hợp tác chặt chẽ" không chỉ trong nội khối mà với cả các đối tác trong việc đối phó với dịch bệnh.

Đại sứ Tào Thị Thanh Hương nhấn mạnh sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của ASEAN đã giúp các nước thành viên kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống của người dân và bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm. Sự hợp tác này không chỉ cần thiết trong ngắn hạn mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19 và thực hiện các mục tiêu của khối trong dài hạn.

Các học giả hàng đầu của Singapore tại buổi thảo luận đánh giá Việt Nam đã làm tốt công tác chống dịch COVID-19 vừa với tư cách là một quốc gia độc lập, vừa với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN. Ông Simon Tay nhận định Việt Nam đã làm khá tốt so với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, Giáo sư Tommy Koh cho rằng Việt Nam đã phản ứng nhanh, quyết liệt với dịch COVID-19.

Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN cũng đã phản ứng rất tốt với dịch bệnh và xử lý tốt mối quan hệ với các đối tác, nhất là Mỹ và Trung Quốc. ASEAN đã duy trì tốt sự hợp tác với cả hai đối tác lớn này, phát huy được tính trung tâm và khẳng định được vai trò cầu nối.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thế giới ghi nhận trên 5 triệu ca mắc, 325.600 ca tử vong do COVID-19
Thế giới ghi nhận trên 5 triệu ca mắc, 325.600 ca tử vong do COVID-19

Ngày 20/5, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu người trong khi số người tử vong vì dịch bệnh cũng đã vượt 325.600 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN