Đây là dự báo được Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu, có trụ sở tại Nagoya, miền Trung Nhật Bản, đưa ra ngày 20/5.
Theo viện trên, trong tình huống xấu nhất, khi tại tới cuối năm nay Nhật Bản mới khống chế được dịch bệnh, nước này có thể chứng kiến số người lao động giảm 4,5% so với năm 2019. Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ có thể mất 845.000 việc làm, lĩnh vực sản xuất có thể mất 614.000 việc làm, trong khi nhà hàng và khách sạn mất 589.000 việc làm.
Trong tài khóa 2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến 950.000 mất việc làm ở Nhật Bản, kéo theo số lao động giảm 1,5%. Nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 chủ yếu tác động tới lĩnh vực sản xuất thì dịch COVID-19 tác động tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.
Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội vùng Chubu đưa ra dự báo này dựa trên giả định lượng du khách tới Nhật Bản không thể phục hồi trong tài khóa 2020. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong tháng Ba vừa qua đã tăng lên 2,5% - mức cao nhất trong một năm qua, cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới lĩnh vực việc làm. Giới chức Nhật Bản và giới phân tích cho rằng tình hình việc làm có thể còn nghiêm trọng hơn trong những tháng tới.
Cùng ngày, Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết trong tháng Tư vừa qua, nước này chỉ đón được khoảng 2.900 lượt du khách nước ngoài, giảm 99,9% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là lần đầu tiên lượng du khách trong tháng giảm xuống dưới mức 10.000 người kể từ năm 1964 khi Cơ quan Du lịch Nhật Bản bắt đầu thống kê.
Từ tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã cấm nhập cảnh đối với công dân của hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới, khiến lượng du khách sụt giảm mạnh. Thống kê cho thấy lượng du khách từ Trung Quốc đến Nhật Bản trong tháng Tư giảm xuống còn 200 lượt, thấp hơn nhiều so với mức hơn 726.000 lượt trong năm 2019, trong khi số lượng du khách Hàn Quốc giảm xuống còn 300 lượt so với mức hơn 566.600 lượt.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Nhật Bản đã công bố doanh thu của 7 công ty kinh doanh cửa hàng tiện lợi lớn tại Nhật Bản trong tháng 4 giảm 10.6% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm lớn nhất trong 17 năm qua.
Hiệp hội này cho biết lượng khách hàng trong tháng Tư đã giảm 18,4% do lệnh tình trạng khẩn cấp nhằm kiểm soát dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh hình thức làm việc trực tuyến, trong khi người dân hạn chế ra ngoài. Cũng theo Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Nhật Bản, mặc dù lượng khách hàng sụt giảm, nhưng doanh thu từ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt tại nhà như thực phẩm đông lạnh... tiếp tục duy trì đà tăng trong 7 tháng liên tiếp. Tính theo các danh mục hàng hóa, doanh thu từ hoạt động bán vé sự kiện không có cải thiện khi các sự kiện, buổi hòa nhạc liên tục bị hủy, hoãn. Doanh thu mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn cũng ghi nhận mức giảm mạnh tới 13%.