Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và 7 tỉnh, thành khác nằm trong danh sách cảnh báo đặc biệt, trong đó có ba tỉnh giáp thủ đô gồm Chiba, Kanagawa, Saitama; ba tỉnh ở khu vực Kansai gồm Osaka, Kyoto và Hyogo; và tỉnh cực Bắc Hokkaido.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết tổng số các ca nhiễm đã giảm tại 39 tỉnh nói trên và các địa phương này có đủ khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế.
Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 ở 7 tỉnh thành của Nhật Bản vào ngày 7/4. Hơn 1 tuần sau đó, ngày 16/4, ông Abe đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra tất cả 47 tỉnh, thành trong cả nước với mục đích nhằm nhanh chóng khống chế dịch bệnh nguy hiểm này.
Mới đây, Nhật Bản lại quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia đến hết tháng 5 này. Tuy nhiên, ông đã cam kết hàng tuần sẽ cân nhắc việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trước thời hạn.
Thủ tướng Abe hiện đối mặt với sức ép phải cân bằng giữa việc ngăn chặn đà bùng phát trở lại của COVID-19 với việc cho phép các hoạt động kinh tế được khôi phục theo từng giai đoạn.
Căn cứ vào khuyến nghị của các chuyên gia y tế, chính phủ tiếp tục kêu gọi người dân áp dụng lối sống mới gồm hạn chế di chuyển giữa các vùng trở lại bình thường với vùng vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, hạn chế đến các không gian đóng kín và đông người, hạn chế các tiếp xúc gần.
Nhật Bản được cho là đã tránh được tình trạng bùng nổ gia tăng các ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, đây vẫn là quốc gia có trên 10.000 bệnh nhân COVID-19. Tính đến sáng 14/5, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Nhật Bản là 16.832 người, trong đó có 712 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ở cảng Yokohama, giáp thủ đô Tokyo.
Thủ đô Tokyo vẫn đứng đầu danh sách các địa phương có đông người mắc COVID-19 nhất, với 4.997 trường hợp. Tiếp theo là Osaka (1.762), Kanagawa (1.201) và Hokkaido (983).
Tổng số người tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này đã tăng lên 710, trong đó có 13 người trên du thuyền Diamond Princess.