Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Singapore ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới ở mức 3 con số, trong khi nhóm quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào đều không ghi nhận ca bệnh mới nào.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã lây nhiễm cho 75.823 trường hợp và cướp đi sinh mạng của 2.384 người dân trong khu vực, tăng 60 ca so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 29.705 trường hợp.
Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 22/5
Quốc gia |
Tổng ca nhiễm |
Ca nhiễm mới |
Tổng ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Tổng ca hồi phục |
Singapore |
30.707 |
+614 |
23 |
0 |
12.117 |
Indonesia |
20.796 |
+634 |
1.326 |
+48 |
5.057 |
Philippines |
13.597 |
+163 |
857 |
+11 |
3.092 |
Malaysia |
7.137 |
+78 |
115 |
+1 |
5.859 |
Thái Lan |
3.037 |
0 |
56 |
0 |
2.910 |
Việt Nam |
324 |
0 |
0 |
0 |
266 |
Myanmar |
199 |
0 |
6 |
0 |
108 |
Brunei |
141 |
0 |
1 |
0 |
137 |
Campuchia |
123 |
0 |
0 |
0 |
122 |
Timor Leste |
24 |
0 |
0 |
0 |
24 |
Lào |
19 |
0 |
0 |
0 |
14 |
Indonesia duy trì tình trạng khẩn cấp sau ngày 29/5
Ngày 22/5, Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia cho biết tình trạng khẩn cấp do đại dịch sẽ được duy trì sau ngày 29/5. Tổng thống Joko Widodo đã ký ban hành Sắc lệnh Tổng thống ngày 13/4 về việc công bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19. Do vậy, nếu sắc lệnh này chưa được thu hồi, tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 đề nghị nới lỏng các hạn chế xã hội tại 124 thành phố và khu vực không có trường hợp mắc COVID-19 nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Trong ngày 22/5, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 634 ca, giảm so với mức kỷ lục 973 ca trong ngày 21/5, trong khi số ca tử vong là 48. Như vậy, đến hết ngày 22/5, Indonesia ghi nhận 20.796 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.326 ca tử vong
Thủ đô Jakarta tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 với 6.400 ca nhiễm bệnh - nhiều hơn 99 ca so với ngày trước đó, và tổng cộng 500 ca tử vong. Tổng thống Joko Widodo mới đây đã cấm cuộc di cư truyền thống quy mô lớn "mudik" vào cuối tháng lễ Ramadan nhằm ngặn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết sẽ không tổ chức buổi gặp người dân tại Cung điện Quốc gia vào ngày đầu tiên của Tết Idul Fitri của người Hồi giáo (25/5/2020) để tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Trước đó, Chính phủ Indonesia đã ban bố lệnh cấm tất cả các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tụ tập đông người, bao gồm cả sự kiện cầu nguyện nhân dịp Năm mới để ngăn chặn dịch bệnh.
Malaysia: Thủ tướng cách ly tại tư dinh
Ngày 22/5, Văn phòng Thủ tướng Malaysia thông báo Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ phải cách ly tại tư dinh 14 ngày sau khi một quan chức tham dự cuộc họp gần đây do ông chủ trì có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo thông cáo, Thủ tướng Muhyiddin đã được xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Tất cả các quan chức khác tham dự cuộc họp nói trên được yêu cầu xét nghiệm và tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này đã ghi nhận 78 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh trong nước lên 7.137 ca và 115 ca tử vong.
Thái Lan bắt đầu giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa vào ngày 1/6
Ngày 22/5, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa sẽ bắt đầu có hiệu lực trên toàn quốc vào ngày 1/6. Trong những ngày tới giới chức nước này sẽ thảo luận về giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa và sẽ ra quyết định vào ngày 29/5 tới để có hiệu lực vào ngày 1/6.
Thái Lan đã bắt đầu giai đoạn 1 và 2 của tiến trình nới lỏng phong tỏa lần lượt từ ngày 3/5 và 17/5 với việc mở cửa trở lại các trung tâm mua sắm và cửa hàng bách hóa, ngân hàng, trung tâm làm đẹp, nhà thuốc và các tổ chức chính phủ.... Trong khi đó, các loại hình kinh doanh khác vẫn chưa được hoạt động trở lại như vườn thú, công viên giải trí, công viên nước, trung tâm triển lãm, spa... Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đang trên đà giảm tích cực. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho tới ngày 30/6.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế lên kế hoạch cho các trường học trên toàn quốc mở cửa trở lại từ ngày 1/7 tới.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và ca tử vong nào trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay quốc gia Đông Nam Á này đã xác nhận tổng cộng 3.037 ca mắc COVID-19, trong đó có 56 ca tử vong; 2.910 bệnh nhân được chữa khỏi và hiện chỉ còn 71 bệnh nhân đang được điều trị.
Myanmar lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường học
Tại Myanmar, chính phủ nước này cũng đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường học từ giữa tháng 7. Bộ Giáo dục Myanmar cho biết thông thường năm học ở nước này bắt đầu từ tháng 6 sau 3 tháng nghỉ Hè, nhưng năm học 2020 sẽ bắt đầu muộn hơn 1 tháng. Bộ này cũng đang phối hợp với Bộ Y tế và Thể thao triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các trường học và phụ huynh học sinh được yêu cầu hỗ trợ con em họ phòng dịch.
Đến nay, Myanmar đã ghi nhận tổng số 199 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 6 ca tử vong.
Lào không có ca nhiễm mới trong 40 ngày liên tiếp
Trong cuộc họp báo chiều 22/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này không phát hiện trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 21/5, nâng tổng số ngày không có ca bệnh mới tại Lào lên 40 ngày liên tiếp.
Thứ trưởng Y tế Lào Phouthone Meuangpak cho biết về cơ bản, các cửa khẩu quốc tế của Lào tiếp giáp với các nước láng giềng đã được mở cửa trở lại cho các hoạt động vận tải hàng hóa và xuất-nhập cảnh đối với những trường hợp đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định và được cơ quan chức năng cho phép.
Singapore ghi nhận số ca bệnh vượt 30.000
Bộ Y tế Singapore thông báo đảo quốc này ghi nhận 614 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 22/5, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 30.426. Trong số các ca mắc mới có 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly.
Tính đến nay, Singapore ghi nhận 12.117 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và xuất viện. Trong khi đó, 10 ca đang phải điều trị tích cực và 23 ca đã tử vong.
Philippines đề xuất đánh thuế Facebook, Google để tăng ngân sách chống dịch
Ngày 22/5, nghị sỹ Philippines Joey Salceda đã trình quốc hội dự luật đánh thuế các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, Youtube, Netflix và Spotify để tăng ngân sách chi cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Dự luật được kỳ vọng có thể thu về 29 tỷ peso (571 triệu USD) bằng cách áp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các dịch vụ số được cung cấp tại Philippines. Hiện các hãng Google, Netflix và Spotify chưa có phản ứng gì trong khi Facebook từ chối bình luận về vấn đề này.
Tuần trước, quốc gia láng giềng của Philippines là Indonesia cũng công bố các kế hoạch đánh thuế VAT 10% lên các sản phẩm kỹ thuật số kể từ tháng 7 năm nay nhằm tăng thêm nguồn thu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Ngày 22/5, Philippines ghi nhận 163 ca mắc bệnh và 11 ca tử vong, nâng tổng số ca COVID-19 lên 13.597, trong đó có 857 ca tử vong. Philippines đã điều trị khỏi cho 3.092 bệnh nhân. Nước này cũng đã tiến hành 208.000 ca xét nghiệm COVID-19 trên tổng số hơn 107 triệu dân.