Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 21/5: Toàn khối 2.318 ca tử vong, Indonesia ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.688 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân ở Nam Tangerang, Indonesia nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khu vực có ba nước Indonesia, Philippines và Singapore ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2; Timor Leste đã không còn bệnh nhân phải điều trị, trong khi Campuchia ghi nhận một ca dương tính sau nhiều ngày không phát sinh ca bệnh nào.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.318 người dân ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 29.316 trường hợp.

Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 973 ca, một trong những ngày có nhiều ca mắc mới nhất. Indonesia đã trở thành “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực.

Singapore ngày 21/5 cũng ghi nhận 1 ca tử vong sau nhiều ngày kiềm chế tốt số ca tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.

Chú thích ảnh
 Phun khử khuẩn cho nhân viên y tế trước khi tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân ở Cisauk, Tangerang, Indonesia, ngày 8/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 21/5

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Singapore 29.812 +448 23 +1 12.117
Indonesia 20.162 +973 1.278 +36 4.838
Philippines 13.434 +213 846 +4 3.000
Malaysia 7.059 +50 114   5.796
Thái Lan 3.037 +3 56   2.897
Việt Nam 324       264
Myanmar 199       108
Brunei 141   1   136
Cambodia 123 +1     122
Timor-Leste 24       24
Lào 19       14

Ngày 21/5, Bộ Y tế Indonesia thông báo số ca mắc bệnh COVID-19 tại nước này đã tăng 973 ca. Đây là ngày có số người mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay. 

Số người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua tại Indonesia tăng cao là do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đông Java tăng đột biến, với 502 ca nhiễm mới trong ngày, vượt số ca mắc ở Jakarta - tâm dịch của nước này. 

Theo quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto, tính tới hết ngày 21/5, quốc gia vạn đảo ghi nhận tổng cộng 20.162 ca mắc COVID-19. Indonesia cũng ghi nhận thêm 36 ca tử vong do dịch bệnh, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.278 người.

Indonesia chính là điểm dịch nóng nhất ASEAN tới thời điểm này.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Thái Lan, các cơ quan an ninh của nước này đã nhất trí kiến nghị kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng 6 do tình hình đại dịch COVID-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại.

Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Somsak Rungsita cho biết cuộc họp của ủy ban về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng, chống COVID-19, do ông làm chủ tịch, đã nhất trí về sự cần thiết gia hạn Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng, sau khi hết hạn vào ngày 31/5.

Theo ông, mặc dù Thái Lan đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, song vẫn cần thêm biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa toàn quốc. Ông Somsak cảnh báo nếu xảy ra đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2, thì thiệt hại sẽ khốc liệt hơn.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kiến nghị trên sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xem xét. Nếu CCSA đồng ý thì đề xuất này sẽ được trình lên cuộc họp Nội các vào tuần tới để ra quyết định.

Bộ Y tế Thái Lan ngày 21/5 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 mới, song không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.037 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 56 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
  Giao thông trên một tuyến phố ở Manila, Philippines ngày 20/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Philippines ngày 21/5 ghi nhận 213 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 4 ca tử vong do mắc bệnh này.

Trong bản tin của mình, Bộ Y tế cho biết, tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng lên thành 13.434 người, trong đó có 846 ca tử vong.

Nước này cũng ghi nhận thêm 68 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên thành 3.000 người.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 5/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, giới chức y tế Malaysia ghi nhận thêm 50 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc căn bệnh nguy hiểm tại nước này lên thành 7.059 người.

Ngoài ra, Malaysia không ghi nhận thêm ca tử vong nào, duy trì số ca tử vong ở mức 114 người.

Chú thích ảnh
Người dân Lào đeo khẩu trang để phòng lây lan virus SARS-CoV-2. Ảnh: THX

Trong ngày 21/5, Lào đã cho phép nối lại vận tải nội địa, song yêu cầu thực thi nghiêm các biện pháp phòng, chống đại dịch, trong đó có việc kiểm tra thân nhiệt, và sắp xếp chỗ ngồi nhằm đảm bảo các hành khách ngồi cách nhau ít nhất 1 mét. Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải cung cấp, xà phòng, nước rửa tay khô cho khách hàng. 

Tính đến nay, Lào đã xét nghiệm tổng cộng 4.812 ca nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó có 19 người dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 14 người đã khỏi bệnh. 

Lào khẳng định 5 bệnh nhân COVID-19 còn lại ở nước này chỉ có các triệu chứng nhẹ. Theo Tổng Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm trực thuộc Bộ Y tế Lào Rattanaxay Phetsavanh, 5 bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Mittaphab (Bệnh viện 150) chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất cứ biểu hiện nào đáng ngại.

Chú thích ảnh
 Kiểm tra sức khỏe các lao động nhập cư nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ hơn một tháng trở lại đây, Campuchia không phát hiện ca nhiễm mới COVID-19. Tuy nhiên, "xứ sở chùa tháp" đã ghi nhận 1 ca dương tính mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 123 bệnh nhân. Campuchia cũng chưa quyết định mở cửa trường học trở lại.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội ngành giáo dục Campuchia (FESC) Pech Bolen khuyến cáo chính phủ nước này cần mở rộng phạm vi gói hỗ trợ đối phó dịch COVID-19 sang khu vực giáo dục tư nhân. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi các báo cáo cho thấy lương của giáo viên và những người làm việc trong các trường tư bị cắt giảm mạnh.

Chú thích ảnh
 Trên một đường phố ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Italy, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, từng áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, khách nước ngoài sẽ vẫn phải có một chứng nhận khẳng định họ không nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú tại Campuchia. Họ cũng sẽ phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh tại khu vực được chính phủ chỉ định và phải xét nghiệm virus gây bệnh.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Ngày 21/5: Không ca nhiễm mới COVID-19, các bệnh nhân nặng đều khỏi, nhưng vẫn cần cảnh giác
Ngày 21/5: Không ca nhiễm mới COVID-19, các bệnh nhân nặng đều khỏi, nhưng vẫn cần cảnh giác

Ngày 21/5 ghi nhận nhiều thông tin tích cực về thành quả phòng và điều trị COVID-19 tại nước ta. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài và Việt Nam luôn trong tình trạng sẵn sàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN