Thêm một ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
Ngày 21/5, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, giữ nguyên tổng số 324 ca mắc. Như vậy Việt Nam đã tròn 35 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 12.987 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 307; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.633; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 5.047 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 4 ca.
Tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam đã được chữa khỏi
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến sáng 21/5, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam đã được chữa khỏi, chưa có trường hợp nào tử vong.
Thông tin từ Bộ Y tế, gày 21/5, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, trong đó có một trường hợp tái dương tính đã khỏi. Hiện tại các bệnh nhân sức khoẻ ổn định, không ho, không sốt, tỉnh táo, sẽ tiếp tục được theo dõi sức khoẻ 14 thêm ngày nữa.
Như vậy, tổng số trường hợp được chữa khỏi COVID-19 ở nước ta đến thời điểm hiện tại là 266 trường hợp (chiếm 82% tổng số bệnh nhân COVID-19).
Về trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng nhất là bệnh nhân số 91- nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã có 6 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS- CoV-2. Kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng không phát triển, cho thấy bệnh nhân đã được điều trị khỏi COVID-19, không thấy khả năng tái nhiễm của virus SARS-CoV-2.
Tính đến nay, bệnh nhân này đã trải qua 2 tháng 3 ngày điều trị COVID-19, với 46 ngày chạy ECMO vô cùng nguy kịch, phổi đông đặc 90% nay đang có những tiến triển tích cực.
Kết quả chụp CT- Scan phổi lần 2 của bệnh nhân cho thấy, phần phổi phục hồi đã chiếm khoảng 20- 30%, chức năng phổi đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, mạch và huyết áp của bệnh nhân ổn định.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận bệnh nhân 91 để tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, điều trị bệnh lý nền, kiểm soát nhiễm khuẩn. Trường hợp này sẽ tiếp tục được hội chẩn trực tuyến liên tục, nắm chặt diễn biến để tiến tới ghép phổi khi đủ điều kiện.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê: Hiện bệnh nhân 91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom. Thế nhưng, bệnh nhân đã được sự chăm sóc rất tích cực của các y bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần qua đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho nam phi công, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi (76 tuổi). Điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.
“Chúng tôi tri ân, cảm ơn tấm lòng của những người mong muốn hiến tạng, nhưng bệnh nhân này cần trọn lá phổi chứ không thể sử dụng một phần phổi, vì thế, nguồn phổi hiến từ người chết não là ưu tiên hàng đầu. Với bệnh nhân này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Ngoài phương án ghép phổi, một phương án khác đang được tính đến, đó là chuyển bệnh nhân về Anh vì hiện bệnh nhân đã khỏi COVID-19. “Tuy nhiên, về vấn đề này, chúng tôi đang phải xem xét, cân nhắc. Mặt khác, hiện bệnh nhân còn hôn mê và phải chạy ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) nên phải chờ bệnh nhân tỉnh, hồi phục, chúng tôi mới đưa ra phương án phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng thông tin thêm về trường hợp bệnh nhân nặng khác là bệnh nhân số 161, 88 tuổi, bị xuất huyết não trước khi nhiễm SARS-CoV-2, sau khi được điều trị khỏi COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị. Các bệnh nhân này hiện cũng đã được ra viện sau khi điều trị ổn định.
Hay như trường hợp bệnh nhân COVID-19 số 19- bác gái bệnh nhân số 17 là một ca mắc COVID-19 rất nặng, với 3 lần ngừng tim giờ cũng đã bình phục, tập đi lại, chuẩn bị được ra viện.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam được điều trị ngay tại y tế tuyến cơ sở, từ trạm y tế, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Trung ương theo phân tuyến đều trị. Dù điều trị ở đâu đều tuân theo phác đồ điều trị liên tục được cập nhật mới nhất (Việt Nam đã 3 lần cập nhật phác đồ điều trị) và luôn có sự đóng góp chất xám của các chuyên gia đầu ngành tới từng ca bệnh, nhất là ca bệnh nặng bằng hệ thống hội chẩn trực tuyến.
Như vậy, tính đến chiều 21/5, Việt Nam đã có 266/324 bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi
Đưa gần 240 công dân Việt Nam từ Myanmar về nước an toàn
Ngày 21/5, cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và Hãng Hàng không Vietjet Air đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đưa gần 240 công dân Việt Nam từ Myanmar về nước an toàn.
Đây là những công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguyện vọng về nước, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau và có bệnh nền, phụ nữ mang thai, tăng ni, phật tử tu, thiền phải về nước do các trường thiền đóng cửa, người đi du lịch bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực, đã kết thúc hợp đồng lao động và du học sinh đã hoàn thành chương trình học.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng Hàng không Vietjet Air đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay.
Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định. Từ chiều bay đi, chuyến bay đã kết hợp chở một số công dân Myanmar về nước.
Trên cơ sở nguyện vọng của công dân, năng lực cách ly tại các địa phương trong nước và diễn biến của dịch bệnh, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chuyến bay thương mại đưa công dân về nước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính ph
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam kiểm soát tốt nhưng chưa chiến thắng dịch COVID-19
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phát biểu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo chiều 21/5, tại Trụ sở Chính phủ: “Hiện Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh ở trong nước nhưng chưa chiến thắng dịch COVID-19. Cùng với thế giới, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài và Việt Nam luôn trong tình trạng sẵn sàng”.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, thống nhất dù trong 35 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vẫn hiện hữu bởi 5 nhóm đối tượng. Đó là người Việt Nam ở nước ngoài về nước; chuyên gia, người lao động nước ngoài; người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; các phi hành đoàn chở khách và chở hàng hóa, thuỷ thủ đoàn; người dân qua lại các biên giới. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, các địa phương tiếp tục siết chặt người nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện nghiêm các quy định cách ly phi hành đoàn; đảm bảo các phi hành đoàn ở khách sạn riêng, tránh lây nhiễm cho người khác.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, thống nhất, chính quyền địa phương và ngành công an có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về việc cấp visa cho người nhập cảnh vào Việt Nam; chuẩn bị cơ sở cách ly, điều kiện theo dõi sức khoẻ sau khi được theo dõi cách ly.
Với vai trò quyết định việc cấp visa, ngành công an có trách nhiệm tổ chức các cơ sở cách ly ngoài các khu cách ly của quân đội. Tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài trong thời điểm hiện nay phải gửi đề nghị đến UBND tỉnh, thành phố. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh, thành phố gửi Bộ Công an để xét duyệt, cấp visa; đồng thời, tham mưu ngành Công an chuẩn bị các cơ sở cách ly. Tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải thực hiện cách ly y tế tối thiểu 14 ngày.
Trước lời chúc mừng chiến thắng dịch COVID-19 của nhiều tổ chức quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Hiện Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh ở trong nước nhưng chưa chiến thắng dịch COVID-19. Cùng với thế giới, cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài và Việt Nam luôn trong tình trạng sẵn sàng”.
Sau thời gian dài không xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng, tâm lý của người dân có phần buông lỏng, Phó Thủ tướng yêu cầu, toàn bộ hệ thống chống dịch tuyệt đối không để tâm lý xả hơi, buông lỏng