Trong vòng 24 giờ qua, ASEAN ghi nhận 1.825 ca mắc COVID-19 và 31 ca tử vong. Indonesia là nước có ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất Đông Nam Á, tiếp đó là Singapore. Các nước còn lại có số ca mắc mới không cao. Brunei, Lào, Timor-Leste và Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.
Trong ngày 23/5, chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Indonesia và Philippines. Nước hiện có số ca tử vong cao nhất là Indonesia với 1.351 ca. Có bốn nước chưa ghi nhận ca tử vong là Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam.
Indonesia phát hiện thêm gần 1.000 ca mắc COVID-19
Ngày 23/5, Chính phủ Indonesia đã xác nhận 949 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 21.745 người.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Chính phủ Indonesia về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19, ông Achmad Yurianto, cho biết quốc gia Đông Nam Á này cũng ghi nhận thêm 25 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, đưa tổng số bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng lên 1.351 người.
Thủ đô Jakarta, thành phố có khoảng 10 triệu dân, là địa phương ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất với 501 người, tiếp đó là Đông Java, Tây Java, Trung Java và các khu vực khác trên toàn quốc. Hiện nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan đến toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia.
Tại Indonesia, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành đường sắt. Giám đốc điều hành ngành đường sắt Indonesia (KAI) Didiek Hartanto ngày 22/5 cho biết doanh thu của ngành đã sụt giảm mạnh với mức giảm 24,2 tỷ Rupiah mỗi ngày do tác động của dịch. Trước đây, doanh thu trung bình mỗi ngày của công ty từ 20-25 tỷ Rp. Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu hàng ngày của ngành chỉ đạt khoảng 800 triệu Rp.
Ông Didiek cho biết suy giảm nguồn thu của ngành ở cả số lượng hành khách đi tàu đường dài và tàu điện. Để tuân thủ quy định giãn cách xã hội quy mô lớn, công suất của các chuyến tàu đường dài chỉ được phép chạy tối đa 50% và 35% đối với tàu điện, tuy nhiên hành khách không sử dụng phương tiện này.
Theo KAI, trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài đến tháng 8 hoặc đến tháng 12, 90-93% doanh thu của công ty sẽ bị tác động, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch bảo trì các đoàn tàu đã đến hạn và các khoản chi phí khác.
Campuchia tiếp tục ghi nhận ca nhiễm từ nước ngoài về
Bộ Y tế Campuchia sáng 23/5 ra thông báo bệnh nhân số 124 này là một phụ nữ 39 tuổi, vừa từ Mỹ về nước sau khi quá cảnh tại Hàn Quốc hôm 8/5. Trường hợp này được xét nghiệm lần đầu hôm 12/5 nhưng cho kết quả âm tính. Nữ bệnh nhân được cách ly 14 ngày và kết quả xét nghiệm lần hai đã được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2.
Tính đến ngày 23/5, tổng số ca nhiễm tại Campuchia là 124 ca, trong đó 122 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Ngoài bệnh nhân nữ nói trên, người còn lại cũng là một trường hợp từ nước ngoài về. Đó là một nam công dân 26 tuổi sống tại tỉnh Kampot, mới từ Philippines về sau khi quá cảnh tại Hàn Quốc lúc 22 giờ ngày 20/5.
Trước đó, ngày 20/5, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Italy, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, từng áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Tuy nhiên, khách nước ngoài sẽ vẫn phải có một chứng nhận khẳng định không nhiễm virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú tại Campuchia. Họ cũng sẽ phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh tại khu vực được chính phủ chỉ định và phải xét nghiệm virus gây bệnh.
Chiều 22/5, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) ra thông báo cho biết sẽ không tổ chức lễ mít tinh chào mừng kỷ niệm 69 năm ngày thành lập đảng (28/6/1951-28/6/2020) dự kiến diễn ra vào ngày 28/6 do tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra trên thế giới.
Trong khi đó, hoảng 55.000 công nhân dệt may và 4.300 người làm việc trong ngành du lịch đang mất việc làm do tác động của dịch COVID-19 sẽ được nhận khoản hỗ trợ lương 40 USD/người/tháng thông qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng Wing kể từ tuần tới.
Người phát ngôn Bộ Lao động Campuchia Heng Sour cho biết chính phủ đã phân bổ gói ngân sách cho 126 nhà máy và 53 khách sạn đã đăng ký số lao động bị tác động bởi dịch COVID-19. Theo số lượng này, Chính phủ Campuchia sẽ chuyển khoản 2.372.000 USD cho các công nhân. Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia đã thông báo rằng Chính phủ đã phân bổ từ 300 triệu USD đến 350 triệu USD tiền mặt trực tiếp để hỗ trợ các thành phần kinh tế. Người phát ngôn Bộ Kinh tế-Tài chính Campuchia Meas Sok Sensan cho hay phần ngân sách này không chỉ hỗ trợ các công nhân mất việc làm mà còn dành cho các gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi đà suy thoái kinh tế.
Các thống kê mới nhất của Hiệp hội Nhà sản xuất Dệt may Campuchia cho biết khoảng 180 nhà máy đã dừng hoạt động, trong khi khoảng 60 nhà máy khác cũng chuẩn bị rơi vào tình trạng tương tự, làm ảnh hưởng tới việc làm của trên 150.000 công nhân.
Tình hình dịch tại các quốc gia ASEAN khác
Bộ Y tế Philippines (DOH) cho biết nước này trong ngày 23/5 có 6 ca tử vong và 180 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 13.777 ca, trong đó có 863 người tử vong. Theo DOH, 114 ca bệnh mới, tương đương với tỷ lệ 63%, được xác nhận ở khu vực Metro Manila, trong khi 66 ca còn lại được phát hiện ở các khu vực khác trên toàn quốc.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu người dân nhẫn nại và kiên cường hơn trong bối cảnh đất nước đang gồng mình khắc phục hậu quả của dịch. Ông Duterte cho rằng dịch bệnh có thể còn kéo dài thêm nhiều tháng rồi mới chấm dứt. Tổng thống khẳng định chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm nhẹ những khó khăn do đại dịch gây ra.
Ngày 23/5, Malaysia đã ghi nhận 48 ca nhiễm, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus ở quốc gia này lên 7.185 người. Bên cạnh đó, Malaysia không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào.
Bộ Y tế Malaysia cho biết trong các ca nhiễm mới có 21 trường hợp liên quan đến một ổ dịch mới tại một trung tâm tị nạn ở bang Selangor. Các ca này đều là người nước ngoài. Đây là ổ dịch thứ hai bùng phát tại các cơ sở nhập cư trong tuần này. Trước đó là một cơ sở ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguồn lây nhiễm. Trong số các ca nhiễm mới nói trên, có 4 ca từ nước ngoài nhập cảnh.
Ngày 23/5, Bộ Y tế Singapore đã ghi nhận 642 ca mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc đảo này lên 31.068 người. Theo tuyên bố của bộ trên, tuyệt đại đa số những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện là các công nhân nhập cư sống trong những khu nhà tập thể. Ngoài ra, còn có 6 ca bệnh mới là các cư dân thường trú ở Singapore.
Thái Lan ngày 23/5 đã thông báo có 3 ca mắc COVID-19, song không có trường hợp tử vong. Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Thái Lan hồi tháng 1, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 3.040 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 56 trường hợp tử vong.
Theo người phát ngôn lực lượng đặc nhiệm chống virus SARS-CoV-2 của Chính phủ Thái Lan - bà Panprapa Yongtrakul, trong số 3 ca bệnh mới có 2 công dân Thái Lan gần đây trở về từ nước ngoài và được cách ly; trường hợp còn lại là một công dân Italy, 49 tuổi, sống ở Phuket.
Tính đến ngày 23/5, Thái Lan cũng ghi nhận tổng cộng 2.916 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và được phép trở về nhà.