Người biểu tình đã ném đá và hơi cay khi giao tranh với cảnh sát trong đêm. Đến đêm 8/7 (theo giờ địa phương), cảnh sát tại Belgrade vẫn cố gắng giải tán người biểu tình sau 5 tiếng đồng hồ căng thẳng.
Cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 7/7 khi nhiều người dân không ủng hộ tuyên bố của chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa COVID-19 lần thứ hai. Người biểu tình đã đổ về bao vây trụ sở Quốc hội Serbia và xảy ra đụng với cảnh sát.
Theo truyền thông địa phương, người biểu tình còn dựng rào chắn bằng thùng rác, cản trở xe cộ lưu thông tại Belgrade trong nhiều giờ. Chính phủ Serbia đã điều cảnh sát, xe thiết giáp và kỵ binh tới giải tán đám đông biểu tình. Bộ trưởng Nội vụ Nebojsa Stefanovic cho biết 10 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong ngày 8/7.
Bộ trưởng Quốc phòng Serbia tuyên bố các cuộc biểu tình bạo lực này là một âm mưu châm ngòi nội chiến.
Trong khi đó, trên mạng xã hội xuất hiện video nhóm cảnh sát tấn công người biểu tình đang co cụm.
Dưới đây là các video về biểu tình tại Serbia trong ngày thứ hai (nguồn: RT):
Trong đêm biểu tình đầu tiên, Tổng thống Aleksandar Vucic chỉ trích “những kẻ cực đoan cánh hữu” kích động bạo lực. Ông Vucic còn cáo buộc “cơ quan anh ninh nước ngoài gây ảnh hưởng”.
Cáo buộc nước ngoài can thiệp là chủ đề nhức nhối tại Serbia, kể từ tháng 10/2000 khi “cách mạng màu” do Mỹ nhúng tay khiến liên minh Dân chủ đối lập cầm quyền. Đến năm 2012, đảng Tiến bộ của ông Vucic đã lên nắm quyền.
Tổng thống Aleksandar Vucic khẳng định rằng lệnh phong tỏa mới có thể là cần thiết bởi số ca mắc COVID-19 mới và số trường hợp tử vong vì dịch bệnh này đã tăng trong khi bệnh viện ở Serbia có nguy cơ bị quá tải.
Ngày 20/3, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic thông báo nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2. Trường hợp tử vong là một người đàn ông 59 tuổi người Serbia. Theo số liệu của trang worldometers.info, tính tới 16 giờ ngày 7/7 (theo giờ địa phương), Serbia ghi nhận tổng cộng 17.076 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 341 trường hợp tử vong.