Bộ trưởng Nước, bà Atishi, hôm qua cho biết sản lượng nước ở thủ đô liên tục giảm do nước đổ về sông Yamuna đoạn chảy qua khu vực này ngày càng ít, trong đó có một phần nguyên nhân không nhận được sự hỗ trợ từ bang lân cận Haryana.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Atishi nêu rõ, trong điều kiện bình thường, Delhi sản xuất 1.005MGD (tương đương 4,6 triệu m3 nước/ngày) nhưng con số này đã liên tục giảm kể tuần trước, xuống chỉ còn 993MGD ngày 7/6, 958MGD ngày 10/6 và 939MGD ngày 13/6. Do sản lượng giảm nên tình trạng thiếu nước xảy ra tại nhiều nơi ở Delhi, buộc người dân thủ đô phải xếp hàng dài trước các xe bồn chở nước và được yêu cầu sử dụng nước hết sức tiết kiệm.
Đáng lưu ý là cuộc khủng hoảng nước ở Delhi đã leo thang thành cuộc chiến pháp lý sau khi bang Haryana từ chối xả lượng nước dư thừa cho khu vực thủ đô. Điều này buộc chính quyền Delhi phải khiếu kiện lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, trong phán quyết hôm 13/6, Tòa án Tối cao tuyên bố không có chuyên môn trong việc giải quyết tranh chấp về chia sẻ nguồn nước nên đã đề nghị chính quyền Delhi tiếp cận Ủy ban thượng nguồn sông Yamuna (UYRB) để tìm kiếm hướng giải quyết cho vấn đề này.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ là nơi sinh sống của gần 18% dân số toàn cầu nhưng chỉ sở hữu 4% nguồn tài nguyên nước. Lượng nước sẵn có tính trên bình quân đầu người ở nước này là khoảng 1.100m3, thấp hơn nhiều so với ngưỡng căng thẳng về nước theo tiêu chuẩn quốc tế là 1.700 m3/người và gần tiệm cận ngưỡng khan hiếm là 1.000 m3/người. Trong khi đó, lượng nước sẵn có bình quân đầu người trên toàn thế giới là 5.500 m3.
Tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế là hai nhân tố gây áp lực kép lên tài nguyên nước ở Ấn Độ. Nửa thế kỷ trước, vào năm 1970, lượng nước bình quân đầu người ở quốc gia Nam Á này cao gấp 2,5 lần mức hiện tại. Cụ thể, năm 1970, con số này là 2.594m3 nước ngọt/người, sau đó giảm xuống còn 1.661m3/người vào năm 1990 và 1.036 m3/người vào năm 2020.