Trả lời phỏng vấn của báo Indian Express, người đứng đầu Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), ông Mrutyunjay Mohapatra, cho biết đây là đợt nắng nóng lâu nhất từ trước tới nay, đã kéo dài khoảng 24 ngày ở các vùng khác nhau của đất nước. Dự báo nhiệt độ sẽ giảm khi những cơn mưa mùa di chuyển về phía Bắc trong tháng này.
Tuy nhiên, ông Mohapatra cảnh báo thời tiết sau giai đoạn này sẽ còn tồi tệ hơn. Theo ông, các đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài và gây hậu quả dữ dội hơn nếu không có các biện pháp phòng ngừa.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều vùng phía Bắc Ấn Độ đã hứng chịu đợt nắng nóng bắt đầu từ giữa tháng 5, với nhiệt độ lên tới hơn 45 độ C. Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới nhưng đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2070. Hiện nay, nước này phụ thuộc hoàn toàn vào than đá để sản xuất điện.
Trong đợt nắng nóng mới nhất, nhiệt độ ở thủ đô New Delhi ngang với mức cao kỷ lục trước đó ở thành phố này là 49,2 độ C ghi nhận năm 2022. Nắng nóng khiến khu cầu làm mát tăng cao, gây áp lực đối với mạng lưới điện, nhu cầu tiêu thụ điện lên mức kỷ lục 8.302 MW.
Nghiên cứu khoa học cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Theo ông Mohapatra, các hoạt động của con người, sự gia tăng dân số, công nghiệp hóa và các cơ chế giao thông đang góp phần làm gia tăng nồng độ CO2, methane và chlorocarbons. Điều này gây nguy hiểm không chỉ đối với thế hệ hiện tại mà còn với cả thế hệ tương lai.