Người dân nông thôn điêu đứng vì khủng hoảng nước ở Ấn Độ

Nhu cầu sử dụng nước đang gia tăng ở quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng nguồn cung lại giảm rõ rệt do biến đổi khí hậu gây ra lượng mưa thất thường và nhiệt độ khắc nghiệt.

Chú thích ảnh
Người phụ nữ đội trên đầu chiếc bình kim loại chứa nước. Ảnh NDTV

Phía xa những tòa nhà cao tầng xa hoa của thủ đô tài chính Mumbai (Ấn Độ), những ngôi làng nghèo đói cung cấp nước cho siêu đô thị này đang chật vật đối phó với tình trạng khan hiếm nước. Giới chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng tương tự đang diễn ra trên khắp Ấn Độc, báo hiệu những vấn đề đáng lo ngại.

Cô Sunita Pandurang Satgir, 35 tuổi, đội trên đầu một chiếc bình kim loại nặng chứa đầy nước ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, cho biết: “Người dân Mumbai uống nước của chúng tôi nhưng không ai ở đó quan tâm đến chúng tôi hoặc nhu cầu của chúng tôi”.

Cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Mumbai bao gồm các hồ chứa được kết nối bằng kênh đào và đường ống dẫn nước cách đó 100 km. Nhưng các chuyên gia cho biết việc quy hoạch không tốt đã khiến mạng lưới này thường không được kết nối với hàng trăm ngôi làng nông thôn trong khu vực và một số huyện lân cận. Thay vào đó, người dân ở đây phải sinh hoạt dựa vào vào các giếng nước truyền thống.

Tuy nhiên, nhu cầu lại vượt xa nguồn tài nguyên ít ỏi và mực nước ngầm quan trọng đang giảm.

“Cuộc sống của chúng tôi chỉ xoay quanh suy nghĩ về việc lấy nước, lấy một lần, rồi lại lấy. Chúng tôi đi lấy nước 4 đến sáu 6 mỗi ngày,  không có thời gian cho việc gì khác”, cô Satgir nói.

Sóng nhiệt và những con giếng khô cạn

Chú thích ảnh
Dân làng chờ lấy nước tại một giếng nước ở huyện Shahapur, bang Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các hình thái thời tiết, gây hạn hán kéo dài và nghiêm trọng hơn. Chỉ đầu mùa hè khắc nghiệt, các giếng nước đã nhanh chóng khô cạn. Vào giai đoạn cao điểm của mùa hè, Satgir cho biết cô có thể mất tới 6 giờ mỗi ngày để lấy nước. Trong khi đó, nhiệt độ năm nay tăng vọt lên trên mức 45 độ C.

Khi giếng cạn, ngôi làng này phải dựa vào xe chở nước của chính phủ với nguồn cung không đều đặn, hai hoặc ba lần một tuần. Những chiếc xe này chở nước chưa qua xử lý từ một con sông ô nhiễm, nơi người dân đến giặt giũ và tắm rửa chung với cả động vật.

Ngôi nhà của Satgir ở Navinwadi, gần thị trấn nông nghiệp Shahapur, nằm cách những con phố đông đúc của Mumbai khoảng 100km. Chính quyền địa phương cho biết khu vực này cũng là nguồn cung cấp cho khoảng 60% lượng nước của Mumbai.

Mumbai là thành phố lớn thứ 2 và đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ, với dân số ước tính là 22 triệu người.

“Tất cả lượng nước xung quanh chúng tôi đều chảy đến người dân ở thành phố lớn và không có gì thay đổi đối với chúng tôi. Ba thế hệ của chúng tôi đều gắn liền với một cái giếng. Đó là nguồn nước duy nhất của chúng tôi”, cô Satgir cho biết.

Phó trưởng làng Rupali Bhaskar Sadgir, 26 tuổi, cho biết người dân thường bị bệnh vì sử dụng nguồn nước này. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất của họ.

“Suốt nhiều năm, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền đảm bảo nước có sẵn tại các đập đến được với chúng tôi. Nhưng tình hình ngày càng tệ hơn”, Sadgir nói.

Các cơ quan chính quyền ở cả cấp tiểu bang và New Delhi đều cho biết họ cam kết giải quyết vấn đề và đã công bố nhiều chương trình để giải quyết cuộc khủng hoảng nước tồi tệ này. Song dân làng cho biết họ vẫn chưa thấy động thái nào.

Tỷ lệ không bền vững

Chú thích ảnh
Người dân lấy nước sinh hoạt tại điểm cấp nước của chính phủ ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 22/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo vào tháng 7/2023, Trung tâm Chính sách công NITI Aayog do Chính phủ Ấn Độ điều hành dự báo lượng nước ngọt có sẵn vào năm 2030 sẽ giảm mạnh khoảng 40%. Trung tâm này cũng cảnh báo về tình trạng thiếu nước ngày càng tăng, mực nước ngầm cạn kiệt và chất lượng tài nguyên ngày càng suy giảm.

Ông Himanshu Thakkar tại Mạng lưới Nam Á về Đập, Sông và Con người (nhóm vận động về quyền sử dụng nước có trụ sở tại Delhi) cho biết đây cũng là câu chuyện xảy ra trên khắp Ấn Độ.

Theo ông, đây là trường hợp điển hình cho những gì vẫn đang xảy ra trên khắp đất nước này. Mặc dù các dự án được lên kế hoạch xây dựng tại các khu vực dễ bị hạn hán, nhưng hầu hết cuối cùng chỉ phục vụ cho các khu vực đô thị và ngành công nghiệp ở nơi xa xôi.

Thủ tướng Narendra Modi đã công bố kế hoạch quan trọng nhằm cung cấp nước máy cho mọi hộ gia đình vào năm 2019, nhưng tại làng Navinwadi, người dân đã cam chịu sống bằng nguồn cung nước được phân phối hạn chế.

Khi xe chở nước đến làng, hàng chục phụ nữ và trẻ em cầm nồi, chảo và xô ra tranh nhau lấy nước.

Santosh Trambakh Dhonner, 50 tuổi, công nhân làm việc theo ngày, cho biết ông đã chạy ra lấy nước vì không có việc làm vào ngày hôm đó. “Nhiều người ra lấy hơn thì nhà tôi sẽ có nhiều nước hơn”, ông nói.

Anh Ganesh Waghe, 25 tuổi, cho biết người dân đã phàn nàn và phản đối, nhưng không có động thái nào được thực hiện. “Chúng tôi không sống với bất kỳ tham vọng lớn lao nào. Chúng tôi chỉ mong ước có nước vào sáng hôm sau”, anh chia sẻ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo NDTV)
Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng dài nhất từ trước tới nay
Ấn Độ trải qua đợt nắng nóng dài nhất từ trước tới nay

Ngày 10/6, chuyên gia thời tiết hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay, đồng thời cảnh báo thời tiết sẽ ngày càng ngột ngạt trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN