Theo phóng viên TTXVN tại Paris, WRI chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường đã phối hợp với Aqueduct - chương trình được hỗ trợ bởi một liên minh của các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, chính phủ và các doanh nghiệp, công bố bản đồ thể hiện tình trạng thiếu nước hiện nay và trong tương lai.
Báo cáo của WRI cho thấy khoảng 4 tỷ người - gần một nửa dân số thế giới - đang đối mặt với tình trạng căng thẳng “cao” về nước trong ít nhất 1 tháng mỗi năm. Theo phân tích của WRI và Aqueduct, dựa trên bộ số liệu từ năm 1979 đến năm 2019, tỷ lệ dân số bị ảnh hưởng có thể sẽ tăng lên gần 60% vào năm 2050.
Căng thẳng "cao" có nghĩa là ít nhất 60% tài nguyên nước có sẵn đã được sử dụng, dẫn đến sự cạnh tranh cục bộ giữa những người dùng khác nhau. Tình trạng thiếu hụt nước được cho là sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có chính sách nghiêm túc để dự đoán và đối phó với các tình huống khó khăn hoặc nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Hiện tại, có 25 quốc gia đang phải đối mặt với mức "căng thẳng cao cực độ" về tài nguyên nước. Điều này có nghĩa là sự mất cân đối giữa việc sử dụng nước và các nguồn nước dự trữ của họ đã lên tới ít nhất 80%. Bahrain, Cyprus, Kuwait, Liban và Oman là những nước phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng nhất, đứng đầu danh sách cùng với Chile, Hy Lạp và Tunisia. Tại khu vực Nam Á, hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, nhưng họ vẫn đứng sau Trung Đông và Bắc Phi, nơi có đến 83% dân số bị ảnh hưởng.
Dự kiến, sẽ có thêm 1 tỷ người sống trong điều kiện căng thẳng "cực kỳ cao" về nước vào giữa thế kỷ này, ngay cả khi - theo một kịch bản lạc quan - mức tăng nhiệt độ trung bình được giới hạn trong khoảng từ 1,3°C đến 2,4°C.
Chuyên gia quản lý dữ liệu và định vị địa lý cho chương trình Aqueduct và WRI Samantha Kuzma nhấn mạnh: "Hơn nữa, phân tích của chúng tôi chỉ thể hiện xu hướng dài hạn và đưa ra số liệu trung bình. Nó không tính đến các đỉnh điểm có thể gây ra những hệ quả tồi tệ hơn và mang tính cục bộ hơn".
Bản đồ dự báo phân bổ nước của WRI cũng nhấn mạnh nguy cơ đối với an ninh lương thực: 60% các cây trồng cần tưới tiêu đang bị đe dọa do tình trạng căng thẳng "cực kỳ cao" về nước. Mía, lúa mì, gạo và ngô bị ảnh hưởng đặc biệt. Theo WRI, khoảng 31% GDP của thế giới có thể phải chịu hậu quả của tình trạng căng thẳng "cao" về nước hoặc thậm chí "rất cao" vào năm 2050, so với mức 24% vào năm 2010.
Chỉ riêng Ấn Độ, Mexico, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm hơn một nửa số khu vực trên thế giới có nguy cơ chứng kiến nền kinh tế của họ bị xáo trộn nhiều nhất. Ngành công nghiệp khai khoáng cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước. Do đó, Chile, nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới - một kim loại được coi là quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, thông báo rằng họ muốn tăng mức tiêu thụ nước lên 20 lần vào năm 2050.
Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu sử dụng nước đã và đang không ngừng gia tăng. Nhu cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960, do sự bùng nổ của nông nghiệp tưới tiêu, nhu cầu ngày càng cao về sản xuất năng lượng, các ngành công nghiệp, và sự tăng trưởng của dân số. Thậm chí, tốc độ gia tăng nhu cầu nước còn nhanh hơn tốc độ tăng dân số toàn cầu. Hiện tượng này được đặc biệt nhận thấy rõ ở các quốc gia đang phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu, chu trình tự nhiên của nước đang thay đổi, gây ra mưa lớn và hạn hán cực kỳ nghiêm trọng. Là một nguồn tài nguyên, nước đang ngày càng khan hiếm hơn trong bối cảnh loài người và hầu hết sinh vật sống trong tự nhiên đều cần nước hơn khi các đợt nắng nóng tấn công mạnh hơn. Do đó, WRI khẳng định “thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước chưa từng có, càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu”.
Các tác giả của báo cáo cho rằng việc hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng nước sẽ không tốn nhiều chi phí, với điều kiện là việc quản lý nước phải được cải thiện. Họ ước tính ngân sách cần thiết vào khoảng 1% GDP toàn cầu để khắc phục tình trạng thiếu đầu tư thường xuyên vào cơ sở hạ tầng, thay đổi mô hình tưới tiêu, tập trung phát triển các giải pháp dựa vào thiên nhiên (ví dụ như bảo vệ rừng ngập mặn và đất ngập nước), sử dụng nước thải đã qua xử lý... và giảm phát thải khí nhà kính, nhằm giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.