Theo tờ Politico, hồ chứa nước quan trọng phục vụ hàng triệu người ở vùng Catalonia, Tây Ban Nha, đang cạn kiệt. Tại Pháp, tình trạng thiếu nước đã gây ra các cuộc đụng độ khi một số ngôi làng không thể cung cấp nước máy cho cư dân. Trong khi đó, con sông lớn nhất của Italy đã trơ đáy từ tháng 6 năm ngoái.
Hơn 1/4 “lục địa già” đang phải chống chọi với hạn hán kể từ tháng 4, nhiều quốc gia đã gấp rút chuẩn bị cho mùa hè khô hạn khi nhiều dự báo cho rằng thảm hoạ sẽ lặp lại ở châu Âu, thậm chí còn tồi tệ hơn năm ngoái.
Đầu năm nay, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh xác nhận rằng châu Âu đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng kể từ năm 2018. Nhiệt độ tăng cao đang gây khó khăn cho nỗ lực phục hồi, khiến châu Âu mắc kẹt trong chu kỳ hạn hán nguy hiểm và nước trở thành nguồn tài nguyên quý giá hơn bao giờ hết.
Ông Torsten Mayer-Gürr, tác giả chính của nghiên cứu trên, nhận định: “Một vài năm trước, tôi dự đoán châu Âu vẫn có đủ nước. Nhưng giờ đây, dường như chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề”.
Các chuyên gia cảnh báo dù thời tiết mưa ẩm trong những tuần tới có thể bổ sung nước cho lớp đất bề mặt và giúp ích cho hoạt động nông nghiệp, song mưa xuân cũng không thể khắc phục tình trạng thiếu nước ngầm đang xảy ra ở châu Âu.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tuyên bố hạn hán “sẽ trở thành một trong những vấn đề thảo luận chính trị trọng tâm của đất nước trong những năm tới.”
Hạn hán mùa đông
Trận hạn hán lịch sử vào năm ngoái đã khiến các hồ chứa trên mặt đất và dưới lòng đất của châu Âu trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, nhiều khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán có rất ít mưa hoặc tuyết trong mùa đông - vốn được coi là thời điểm nguồn nước dồi dào hơn.
Pháp – nơi không có mưa trong hơn 30 ngày liên tiếp trong tháng 1 và tháng 2 – đã trải qua mùa đông khô hạn nhất trong 60 năm. Theo tổ chức nghiên cứu CIMA của Iatly, lượng tuyết rơi giảm 64% vào giữa tháng 4. Mực nước sông Po chảy thấp tương tự mùa hè năm ngoái, còn nước ở hồ Garda đã ở mức thấp hơn một nửa mức trung bình hằng năm.
Báo cáo từ hiệp hội nông dân Tây Ban Nha COAG cho biết một số loại ngũ cốc sẽ bị “xóa sổ” trên toàn bộ 4 khu vực trong năm nay. Một nhà khí tượng học đã nói với El País rằng hãy nói lời tạm biệt với gần như toàn bộ vụ thu hoạch ô liu.
Hồ chứa nước Sau ở phía Bắc Barcelona cũng cạn nước đến mức các giới chức đã quyết định vớt cá lên để chúng khỏi chết và làm ô nhiễm nguồn nước của khu vực. Trên khắp Catalonia, các hồ chứa nước chỉ ở mức 27% vào tháng 4. Trong khi đó, theo dự báo thời tiết, vào tuần tới, Tây Ban Nha sẽ đối mặt với một đợt nắng nóng sớm.
Theo Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Teresa Ribera, lượng nước hiện nay ở Tây Ban Nha, cũng như ở Pháp, có thể giảm tới 40% vào năm 2050.
Ông Fred Hattermann, nhà thủy văn học tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam cho rằng lượng mưa mùa đông rất quan trọng đối với các quốc gia Địa Trung Hải nói riêng.
“Với lượng mưa ít ỏi của năm nay và lớp tuyết phủ mỏng trên dãy Alpine, nếu hiện tại không có nhiều mưa, hạn hán về cơ bản sẽ không thể chấm dứt”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, mưa xuân cũng chỉ giúp giảm bớt phần nào tình trạng thiếu nước trong mùa hè này. Ông Hattermann cảnh báo để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn bắt đầu vào mỗi năm với tình trạng thiếu hụt lớn nước ngầm, châu Âu sẽ cần tới gần một thập kỷ có nhiều mưa.
Tác động của biến đổi khí hậu
Song việc dự báo lượng mưa trong thời gian dài như vậy là rất khó khăn, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi mô hình lượng mưa. Một trong số ít các dự báo dài hạn, như dự báo của cơ quan thời tiết Đức cho những năm 2020, cho rằng nước này sẽ có lượng mưa ít hơn trong hầu hết thập kỷ.
Song ngay cả khi lượng mưa không thay đổi, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm lượng nước cung cấp trên khắp các vùng của châu Âu.
Hạn hán là hiện tượng phức tạp xảy ra do nhiều yếu tố - chẳng hạn quản lý nước kém hoặc tiêu thụ quá mức. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng chắc chắn sẽ gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp nước của châu Âu.
Ông Hattermann cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu đang khiến lục địa già trở nên khô cằn hơn theo 3 yếu tố.
Thứ nhất là nhiệt độ càng tăng, nước càng bốc hơi nhiều. Ông nhấn mạnh: “Chỉ riêng điều này đã khiến châu Âu khô cằn hơn. Về cơ bản, chúng ta sẽ phải có lượng mưa tăng đều đặn để bù đắp cho sự gia tăng lượng nước bốc hơi đó”.
Thứ hai, biến đổi khí hậu đang làm suy yếu dòng khí quyển châu Âu, có nghĩa là hệ thống áp suất không khí có thể bị mắc kẹt, tạo ra thời kỳ khô nóng kéo dài - như đã xảy ra vào năm ngoái - hoặc lượng mưa lớn kéo dài, như trường hợp xảy ra trong trận lũ lụt chết người năm 2021.
Cuối cùng, khi các dòng sông băng và tuyết phủ trên khắp châu Âu đang tan chảy nhanh chóng, bị thu hẹp do nhiệt độ tăng lên, nguồn cung nước thiết yếu cho các con sông lớn – như sông Rhine, sông Danube, sông Rhône hay sông Po – cũng vì thế mà mất đi.
Ông Andrea Toreti, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu cho biết năm nay, lượng nước chảy vào các hồ chứa nước của châu Âu sẽ ít hơn nhiều so với bình thường.
Theo ông Toreti, bước vào mùa hè này, Tây Ban Nha, miền nam Bồ Đào Nha, Italy và Pháp là những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương.
“Ba Lan và các khu vực khác như Bulgaria, Romania, Hy Lạp đang cảnh báo về hạn hán”, ông nói. Đài quan sát hạn hán châu Âu cũng chỉ ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở các nước Bắc Âu.
Ông Hattermann lưu ý rằng Brandenburg, điểm nóng hạn hán ở Đức, đã có lượng mưa trên mức trung bình trong những tháng gần đây, nhưng mực nước ngầm lại thấp hơn so với năm ngoái. “Mặc dù mưa rất nhiều nhưng tình hình không khá hơn mà còn tệ hơn,” ông nói.
Chung tay hành động
Và châu Âu đang dần thức tỉnh trước mối đe dọa này.
Các thủ đô từng chịu ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán vào mùa hè năm ngoái đang đưa ra biện pháp phản ứng với tình trạng thiếu nước trong các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp.
Đầu tháng này, Italy đã ban hành sắc lệnh về hạn hán nhằm giảm tình trạng quan liêu đối với cơ sở hạ tầng nước, bao gồm cả các nhà máy khử muối. Tây Ban Nha hồi tháng 1 cũng đã công bố bộ kế hoạch quản lý nước mới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra chiến lược quản lý nước quốc gia mới, nhằm mục đích giảm 10% lượng nước tiêu thụ tổng thể vào cuối thập kỷ này.
Chiến lược của Đức, được thông qua vào tháng 3, bao gồm các biện pháp sử dụng nước “bền vững” ở 10 khu vực vào năm 2050, cũng như loạt 78 biện pháp sẽ được thực hiện vào năm 2030.
Nhưng những nhà phê bình cho rằng các quốc gia đang hành động quá ít để giải quyết vấn đề quản lý tài nguyên yếu kém, vốn vẫn còn tồn tại trên khắp lục địa.
Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc của Copernicus, dịch vụ quan sát khí hậu châu Âu, cho biết: “Rõ ràng, nước là một nguồn tài nguyên hữu hạn và chúng ta với tư cách là một xã hội đã không quản lý hiệu quả nhất có thể nguồn tài nguyên hữu hạn này”.