Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố đề xuất của lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ về việc hai miền đảo Cyprus hợp tác thăm dò và khai thác khí đốt có thể góp phần vào hòa bình và sự ổn định tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.
Căng thẳng trong khu vực đã leo thang sau khi chính quyền Ankara triển khai tàu thăm dò dầu khí thứ 2 ở ngoài khơi vùng biển tranh chấp giữa hai nước. Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt nếu Ankara không dừng các hoạt động mà EU cho là "bất hợp pháp" này.
Thổ Nhĩ Kỳ và CH Cyprus cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh đảo Cyprus. Tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tàu Fatih tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi tỉnh Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 3/5 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp trên hệ thống telex hàng hải quốc tế (NAVTEX) thông báo các tàu của nước này sẽ thực hiện các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Địa Trung Hải đến tháng 9 tới, khẳng định hoạt động khoan thăm dò này dựa trên "quyền lợi hợp pháp", theo đó vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng miền Bắc đảo Cyprus sau cuộc đảo chính của cộng đồng người gốc Hy Lạp. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận CH Cyprus của người gốc Hy Lạp, trong khi "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus" của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ không được quốc tế công nhận. CH Cyprus cho rằng các hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời cho rằng vấn đề khai thác khí đốt là thuộc chủ quyền của CH Cyprus.