Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và CH Cyprus

Thổ Nhĩ Kỳ đang cản trở quá trình thống nhất tại CH Cyprus bằng cách tham gia vào dự án khoan thăm dò khí đốt tự nhiên ngoài khơi vùng biển tranh chấp giữa hai nước.

Chú thích ảnh
Tàu thăm dò dầu khí Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ neo tại cảng Dilovasi, ngoại ô Istanbul, trước khi được triển khai tới vùng biển ngoài khơi CH Cyprus, ngày 20/6/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố ngày 10/7, phát ngôn viên Chính phủ CH Cyprus Prodromos Prodromou cho biết Tổng thống nước này Nicos Anastasiades đã gặp đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) và người đứng đầu các hoạt động hòa bình của LHQ tại Cyprus, để thảo luận về việc gia hạn sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình thêm 6 tháng (kể từ cuối tháng 7).

Tổng thống Anastasiades đã cảnh báo các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực của Cyprus cũng như những vi phạm diễn ra trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Cyprus, có thể cản trở quá trình giải quyết tranh cãi tại đây. 

Trước đó, một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động khoan thăm dò khí đốt ngoài khơi, cách bờ biển của CH Cyprus khoảng 60 km về phía Tây, trong khi tàu thứ hai cũng đang chuẩn bị cho các hoạt động khoan ở phía Đông.

Liên quan đến tiến trình hòa bình trên đảo Cyprus, ngày 10/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này ủng hộ chủ quyền của Cyprus phản đối các hoạt động khoan thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển Cyprus tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ và CH Cyprus cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh CH Cyprus. Tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tàu Fatih tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi tỉnh Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 3/5 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp trên hệ thống telex hàng hải quốc tế (NAVTEX) thông báo các tàu của nước này sẽ thực hiện các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Địa Trung Hải đến tháng 9 tới, khẳng định hoạt động khoan thăm dò này dựa trên "quyền lợi hợp pháp", theo đó vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra từ ngày 20 - 21/6 tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên EU nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đáp lại lời kêu gọi liên tiếp của EU dừng "các hoạt động bất hợp pháp" ở ngoài khơi CH Cyprus. EU cảnh báo sẽ trừng phạt các cá nhân và công ty tham gia hoạt động khoan thăm dò nói trên.

Phương Hoa (TTXVN)
Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm sẽ tác động thế nào đến giá dầu?
Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm sẽ tác động thế nào đến giá dầu?

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ lên đến cao trào thì đây chính là thời điểm thích hợp để đánh giá về tác động của một cuộc chiến ở Vịnh Ba Tư lên giá dầu thế giới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN