Ba kịch bản cho giá dầu
Tác động của việc đóng cửa Eo biển Hormuz đối với giá dầu thô toàn cầu rõ ràng phụ thuộc vào lượng dầu không được tham gia vào thị trường thế giới dựa trên thống kê hàng ngày cùng quãng thời gian bị gián đoạn.
Kênh RT (Nga) đã chọn ra hai kịch bản liên quan trực tiếp đến Eo biển Hormuz và kịch bản thứ ba bao gồm một xung đột ở vùng Vịnh Ba Tư.
Trong kịch bản lạc quan, nếu eo biển này chỉ cấm lưu thông thương mại vài ngày, tác động của nó lên các nguồn cung cấp dầu toàn cầu sẽ không đáng kể, song chúng ta sẽ chứng kiến cú tăng đột biến vượt ngưỡng 100USD/thùng do sự ngờ vực ban đầu về kết quả tình hình. Giá dầu thô sau đó sẽ nhanh chóng trở về mức trước khủng hoảng.
Sản lượng 20,7 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày sẽ bị cắt bớt nếu như Eo biển Hormuz bị đóng cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, con số này sẽ được giảm nhẹ bởi sẽ có gần 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày được vận chuyển bởi đường ống dự phòng trải khắp Saudi Arabia đến những cơ sở xuất khẩu ở Biển Đỏ và Đường ống dầu thô Abu Dhabi đi vòng qua Eo biển Hormuz.
Thêm vào đó, Saudi Arabia đã dự trữ một lượng dầu thô chưa được tiết lộ tại các cơ sở lưu trữ khắp thế giới trong đó có Rotterdam ở châu Âu, Okinawa (Nhật Bản) và Trung Quốc ở châu Á hay thậm chí tại bờ vịnh của Mỹ.
Dưới kịch bản bi quan, hệ thống ứng phó khẩn cấp dầu lửa của thế giới sẽ bị đánh thuế lên mức kịch trần trong hai tháng đầu khủng hoảng – giả sử như Eo biển Hormuz bị phong tỏa hoàn toàn tròn 45 ngày đầu và nối lại hoạt động chở dầu trong vòng 45 ngày tiếp theo – dẫn đến mốc giá dầu cao kỷ lục trên cơ sở điều chỉnh lạm phát cho thời gian dài.
Hệ thống kho dự trữ dầu chiến lược toàn cầu sẽ là biện pháp bù đắp lý tưởng cho giai đoạn thiếu hụt nguồn cung, với khoảng 40% trong số 1,9 tỷ thùng dầu còn lại sau khủng hoảng, tuy nhiên tỷ lệ rút hàng ngày khỏi hệ thống sẽ trở thành thách thức.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng kho dự trữ của nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ cung cấp tối đa 14,4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm lọc dầu mỗi ngày trong tháng đầu tiên và gần 12,5 triệu thùng dầu thô trong tháng tiếp theo. Trung Quốc và Ấn Độ hiện nắm giữ xấp xỉ 1/5 dự trữ chiến lược toàn cầu và việc họ xả kho sẽ đóng góp vào các nỗ lực bình ổn thị trường của IEA.
Dựa trên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu dầu mỏ Vua Abdullah tại Riyadh hồi tháng 4/2018, ở một thế giới không có dầu thô dự phòng – xảy ra nếu Eo biển Hormuz bị đóng – giá dầu có thể phi mã lên trên 325 USD/thùng, gấp 5 lần mức giá hiện nay, giống như thời kỳ khủng hoảng Libya tháng 6/2011. Để đối phó với tình hình bất ổn khi đó, các nước thành viên IEA đã xả kho khoảng 60 triệu thùng.
Cuối cùng, trong kịch bản "Ngày tận thế", Eo biển Hormuz bị phong tỏa ba tháng dẫn đến thiệt hại to lớn cho ngành xuất khẩu và sản xuất dầu tại Vịnh Ba Tư, giá dầu thô sẽ “vọt cao như tên lửa”. Nó sẽ không hạ cho đến khi nền kinh tế toàn cầu đổ sụp vào tình trạng suy thoái. Một đòn tấn công trực tiếp vào riêng cơ sở lọc dầu Abqaiq của tập đoàn Saudi Aramco cũng làm thị trường thế giới mất 7 triệu thùng dầu mỗi năm hoặc hơn.
Tổn thất sản xuất ở Vịnh Ba Tư có thể được giảm bớt phần nào nhờ 40% dự trữ chiến lược còn lại của thế giới cùng với 200 triệu thùng dầu thô mà Saudi Arabia dự trữ, nếu giả định rằng các cơ sở xuất khẩu của nước này vẫn còn nguyên vẹn.
Kịch bản nào cho chiến tranh?
Khả năng Iran đóng cửa Eo biển Hormuz không cho tàu thuyền đi qua đã gia tăng rõ rệt từ vài tuần gần đây cũng như khả năng nổ ra cuộc chiến tranh trên Vịnh Ba Tư, đặc biệt kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ hôm 20/6.
Hãng tin RT nhận định động thái trên đã giúp tăng thêm sức nặng đối với lời đe dọa của Tehran rằng đất nước này sẽ giáng đòn choáng váng vào các đồng minh của Washington tại Trung Đông nếu các lực lượng Mỹ tấn công Iran, cũng như không cho phép những nước trên xuất khẩu dầu nếu như Iran không thể xuất khẩu dầu của mình. Ngoài ra, tác động lên thị trường dầu nếu Iran đóng Eo biển Hormuz sẽ vô cùng lớn.
Ban lãnh đạo Hải quân Iran và Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hiểu rõ họ không thể thách thức Mỹ trong một cuộc đấu trên biển thông thường nên đã tập hợp các yếu tố bất đối xứng đáng kể cùng những tiềm lực khác để giúp quốc gia này phong tỏa Eo biển Hormuz, kể từ “cuộc chiến tàu chở dầu” trên Vịnh Ba Tư giai đoạn Chiến tranh Iran – Iraq nổ ra năm 1980 – 1988.
Những tiềm lực này bao gồm hàng ngàn quả thủy lôi, ngư lôi, tên lửa hành trình tân tiến, các tàu ngầm cỡ nhỏ và cỡ vừa, cũng như một đội tàu tấn công nhanh chủ yếu hoạt động tại vùng eo biển.
Các chiến lược gia Lầu Năm Góc đánh giá Iran sẽ sử dụng toàn bộ tiềm lực trên theo cách tích hợp để cùng lúc làm gián đoạn giao thông đường biển tại Eo biển Hormuz và ngăn các lực lượng Mỹ cùng quân đồng minh đi vào khu vực.
Hải quân Iran bị xem là “mối đe dọa” đối với hoạt động hàng hải quốc tế tại eo biển quan trọng này. Trong lúc lãnh đạo Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) năm 2010 – 2013, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã xây dựng một kế hoạch đa quốc gia nhằm giảm thiểu sự gián đoạn giao thông hàng hải ở Eo biển Hormuz bằng cách ngăn Iran đặt thủy lôi và dỡ bỏ thủy lôi có hệ thống.
Ông Mattis đặt trọng tâm kế hoạch vào thủy lôi do chúng chính là phương tiện chính để gây cản trở vì khó có thể đánh chìm một tàu chở dầu hai thân hiện đại bằng ngư lôi hoặc tên lửa. Mục tiêu ban đầu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là nhằm lập ra những lối đi an toàn rộng chưa từng thấy qua những bãi thủy lôi để cho phép tàu chở dầu được lưu thông tự do như thời trước khủng hoảng.
Giới chức Lầu Năm Góc nhất trí rằng Mỹ và các đồng mình có thể sẽ đánh bại Iran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này đóng Eo biển Hormuz. Những nhà lập kế hoạch lạc quan nhất tin tưởng các lực lượng do Mỹ dẫn đầu có thể mở cửa lại eo biển này trong vòng vài ngày, trong khi những người kém lạc quan nhất nhận xét quá trình khôi phục giao thông đường biển phải mất đến ba tháng.
Tất nhiên, sự thù địch có thể còn lan rộng từ Eo biển Hormuz đến những nơi khác trong vùng Vịnh Ba Tư dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến tranh khu vực có thể bùng phát ngay cả khi Iran chưa ra lệnh đóng cửa eo biển. Và trong trường hợp này hoạt động sản xuất – xuất khẩu dầu và khí đốt sẽ chịu thiệt hại đáng kể.
Nếu bị tấn công hoặc nhận thấy sắp bị tấn công, Tehran có thể chọn cách không kích các lực lượng quân sự Mỹ cùng đồng minh như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất ngay khi nước này vẫn còn làm chủ tình hình. Chiến thuật “sử dụng ngay trước khi mất” được cho là chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của ông Saddam Hussein tại Iraq.