Căng thẳng Mỹ - Trung và vấn đề Iran dự kiến sẽ chi phối Hội nghị G20

Những lo ngại về tranh chấp thương mại, xung đột leo thang và thị trường dầu mỏ dự kiến sẽ chi phối chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Osaka, Nhật Bản, vào cuối tuần này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Tại hội nghị, sự chú ý tập trung sẽ đổ dồn vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau lần đầu tiên trong vòng 7 tháng qua để thảo luận về mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng giới chuyên gia cho rằng triển vọng về những tiến triển có vẻ mỏng manh do cả hai bên đều không chịu thỏa hiệp sau khi các cuộc đàm phán đổ vỡ vào tháng 5.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho hay Tổng thống Donald Trump coi cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào ngày 29/6, như một cơ hội để nắm bắt quan điểm của Bắc Kinh và ông "thoải mái với bất kỳ kết quả nào".

Giới chức Nhà Trắng từ chối thảo luận về những kỳ vọng trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này, song nói rằng họ hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuân theo các cam kết để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng.

Trong khi đó, Bắc Kinh phản ánh rằng Mỹ yêu cầu nước này thực hiện một loạt cải cách kinh tế với mức độ có thể coi là vi phạm chủ quyền. Thậm chí, các quan chức Trung Quốc nói rằng những tác động của cuộc chiến thương mại với Washington là có thể kiểm soát được và họ không vội vàng đạt được một thỏa thuận với Mỹ.

Nhiều thành viên G20 rất mong đợi kết quả của cuộc họp này vì các tranh chấp thương mại đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế thế giới và thúc đẩy một số ngân hàng trung ương các nước thành viên có quan điểm ôn hòa hơn trong vấn đề lãi suất. Song giới chuyên gia nhận định rằng nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa hiệp "ngừng bắn” hơn là đi đến một thỏa thuận thương mại tại hội nghị lần này.

Bên cạnh đó, một số nhà chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại rằng căng thẳng thương mại có thể làm “lu mờ” những nỗ lực để giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách khác.

Một trong số đó là tình hình leo thang căng thẳng tại khu vực Trung Đông liên quan đến Iran, qua đó đẩy giá dầu thế giới lên cao hơn. Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump dự kiến sẽ gặp ít nhất 8 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin, để giành sự ủng hộ cho các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Cũng tại Hội nghị G20 lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch tổ chức một cuộc họp với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Cuộc họp diễn ra trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhóm họp ngày 1 - 2/7 để bàn thảo về chính sách nguồn cung dầu mỏ.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Asahi của Nhật Bản ngày 26/6 đưa tin rằng tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 có thể sẽ kêu gọi "thúc đẩy thương mại tự do" như một cách để đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Đồng thời, các quốc gia G20 cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một “chu kỳ tích cực”, trong đó các nền kinh tế đều nhận được lợi ích từ tăng trưởng vững.

H.Thủy/TTXVN (tổng hợp)
Cơ quan tài chính G20: Các nhà quản lý cần theo dõi sát các đồng tiền số Libra
Cơ quan tài chính G20: Các nhà quản lý cần theo dõi sát các đồng tiền số Libra

Kế hoạch phát hành đồng tiền số riêng có tên Libra của Facebook dự kiến sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tuần này tại Nhật Bản, nhưng ý định của mạng xã hội này có thể khiến các nhà quản lý xem xét kỹ hơn về các đồng tiền số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN