Theo báo Nhật Bản Japan Times, bên lề hội nghị thượng đỉnh kéo dài trong hai ngày (28-29/6), nhiều nguyên thủ sẽ tiến hành các buổi gặp song phương. Giới phân tích đánh giá 3 cuộc gặp quan trọng dưới đây sẽ trở thành tiêu điểm.
Cuộc gặp Trump-Tập Cận Bình
Theo các nhà quan sát, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trở thành sự kiện chính trong Hội nghị thượng đỉnh G20.
Hai nhà lãnh đạo được cho là có khả năng tổ chức các cuộc đàm phán chính thức trong bữa tối bên lề hội nghị. Tổng thống Trump ngày 24/6 thông báo ông đã có "cuộc điện đàm rất tốt đẹp" với người đồng cấp Trung Quốc và sẽ họp mở rộng với ông Tập Cận Bình.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Trump cho biết nhà lãnh đạo Mỹ coi cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 là một cơ hội để “duy trì sự cam kết” và xem Trung Quốc ở đâu trong cuộc chiến thương mại.
Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hồi năm ngoái, Trung-Mỹ tuyên bố đình chiến trong 90 ngày. Sau nhiều vòng tham vấn thương mại, hai bên đã cho thấy hy vọng đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, vào hôm 5/5, Mỹ lại tuyên bố mức tăng thuế mới áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến tình hình đàm phán thương mại chuyển biến bất ngờ. Đội ngũ đàm phán thương mại của hai bên trong vòng đàm phán cuối cùng ở Washington vào ngày 10/5 vẫn chưa tiếp xúc trở lại. Trung-Mỹ sau đó đã áp thuế mang tính trả đũa, đồng thời đưa ra lệnh trừng phạt đối với doanh nghiệp của đối phương.
Cuộc gặp Trump-Putin
Những thách thức trong nước đối với Tổng thống Trump nổi lên từ báo cáo điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller liên quan đến nghi án Nga can thiệp bầu cử năm 2016 được cho là tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ Mỹ-Nga, bên cạnh một loạt vấn đề quân sự khác cần giải quyết như Ukraine, Syria, Venezuela…
Bất chấp quan điểm đối đầu giữa hai nước, Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tiếp tục duy trò mối quan hệ cá nhân tốt đẹp. Mỗi lần gặp mặt, hai nhà lãnh đạo đều thể hiện sự tương tác hòa hợp.
Đài Sputnik dẫn lời một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Trump cho biết trong cuộc gặp song phương lần này, lãnh đạo hai bên được cho là sẽ thảo luận về Iran, Ukraine, Syria, kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh chung khác.
“Tổng thống Trump rất mong đợi cuộc gặp với Tổng thống Putin tại G20. Cuộc trò truyện có thể tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh khu vực trong đó có Iran, Ukraine, Syria, Trung Đông. Họ cũng nên đề cập đến vấn đề kiểm soát vũ khí và cải thiện quan hệ song phương”.
Cuộc gặp Trump-Erdogan
Cuộc gặp khó đoán nhất bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 có thể sẽ là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ - người sẽ nhận hệ thống phòng không S-400 của Nga trong tháng tới.
Thương vụ S-400 luôn là một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35 và "nguy hiểm" cho nền quốc phòng phương Tây, đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Thổ xuống dốc gần đây, mọi thứ phụ thuộc vào cuộc gặp Trump-Erdogan khi đây có thể là cơ hội cuối cùng để Ankara tránh các biện pháp trừng phạt mà Quốc hội Mỹ có thể sẽ áp dụng liên quan đến thương vụ mua bán vũ khí.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt có thể bị hạn chế - có lẽ chỉ nhắm vào những người trực tiếp có liên quan đến thỏa thuận S-400, nhưng nếu lời đe dọa của Mỹ biến thành sự thì, thì nó sẽ đánh dấu mốc lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt được áp dụng chống lại một đồng minh NATO.