Tổng thống Trump đã bắt đầu chiến dịch gây sức ép tối đa với Iran từ tháng 5/2018 khi ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran. Trong vòng một năm kể từ đó, việc Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở Vịnh Ba Tư và việc Iran bắn hạ máy bay không người lái quân sự của Mỹ ngày 21/6 đã đẩy hai nước tới bờ vực chiến tranh.
Cả hai bên không muốn chiến tranh nhưng sẽ khó có thể giảm căng thẳng đang sục sôi, cho dù đang có một loạt sáng kiến ngoại giao.
Cuộc khủng hoảng của Tổng thống Trump
Theo trang middleeastmonitor, động cơ chính đằng sau việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân là để gây sức ép khiến Iran cúi đầu trước chính sách ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông.
Yêu sách 12 điểm mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra với Iran rõ ràng muốn thay đổi chế độ Iran và để định hướng chính sách đối ngoại của Iran theo hướng không chống Mỹ rồi tiến tới ủng hộ Mỹ.
Dù biết Iran sẽ bác bỏ yêu sách trên ngay lập tức nhưng Tổng thống Trump vẫn chọn cách hành động đầy rủi ro để bắt Iran tuân theo.
Hàng loạt biện pháp trừng phạt nặng nề sớm được áp đặt. Tổng thống Trump đã dùng quyền lực để khiến cho Iran không thể xuất khẩu dầu – nguồn doanh thu quốc gia chính, từ đó gia tăng áp lực kinh tế nặng nề với Chính phủ Iran tới mức sẽ phải sụp đổ.
Gần đây, Mỹ đã trừng phạt Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei – quyết định mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi là “ngu ngốc và xúc phạm”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Iran cho biết các biện pháp trừng phạt đã vĩnh viễn đóng cánh cửa ngoại giao với Mỹ. Lãnh tụ tối cao đã bác bỏ đề nghị đàm phán trực tiếp với Mỹ, coi đây chỉ là trò lừa đảo để tước quyền lực của Iran.
Iran từ chối đàm phán đã khiến chiến lược của Tổng thống Trump rơi vào bế tắc. Ông Trump vừa đề nghị đàm phán vô điều kiện vừa đe dọa xóa sổ Iran. Chính phủ Mỹ cũng liên tục thất bại trong xây dựng một liên minh quân sự để đối phó với Iran.
Các đồng minh châu Âu coi Mỹ gây hấn trong tình hình hiện nay và từ chối ủng hộ Washington chống Iran. Trong một cuộc họp gần đây của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Pháp đã cảnh báo Mỹ không lôi NATO vào sứ mệnh quân sự chống Iran.
Ở Trung Đông, chỉ hai đồng minh Vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ủng hộ Mỹ.
Hậu quả của kịch bản chiến tranh
Bị phần lớn đồng minh phản đối, Tổng thống Trump quyết định chọn chính sách “chờ xem” để xem Iran sẽ phản ứng ra sao.
Về phần mình, Iran muốn theo đuổi chính sách trì hoãn và buộc Mỹ tái cam kết với thỏa thuận hạt nhân, bãi bỏ trừng phạt. Iran không muốn thế bế tắc hiện nay kéo dài vì sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế. Iran cũng không muốn trong nước bất ổn vì chiến dịch sức ép tối đa của Mỹ.
Sau khi Tổng thống Trump áp đặt lại các biện pháp trừng phạt, đồng rial của Iran đã mất 2/3 giá trị, lạm phát tăng vọt lên 40% và nền kinh tế có thể suy giảm 6% trong năm tài chính hiện nay. Khả năng Tổng thống Trump tái đắc cử năm 2020 cũng là một lo ngại lớn với Iran.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, theo nhận định của CNN, hỏa lực mạnh của Mỹ có thể giúp Mỹ giành thế thắng trong một thời gian nhưng Iran và đồng minh sẽ khiến cuộc chiến trong khu vực nóng bỏng trong thời gian dài.
Phong trào Hồi giáo Hezbollah lúc nào cũng sẵn sàng nã tên lửa vào đồng minh Israel của Mỹ. Các đối tác dòng Shia của Iran tại Iraq sẽ không ngần ngại mà phát động tấn công các căn cứ quân sự và nhân sự Mỹ tại Iraq.
Một số cơ sở quân sự ở Iraq có binh sĩ Mỹ hoạt động đã từng bị tấn công bằng tên lửa và rocket. Lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan cũng có thể bị đồng minh của Iran ở Afghanistan tấn công.
Các tay súng Houthi ở Yemen sẽ nhằm vào Saudi Arabia, một nước ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump.
Cuộc chiến sẽ gây hậu quả kinh tế tồi tệ hơn với Mỹ, đó là chưa kể tác động hủy diệt với nền kinh tế toàn cầu.
Động thái Iran nhiều khả năng sẽ thực hiện nhất là đóng cửa Eo biển Hormuz, một tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng của toàn cầu. Trang tin tức OilPrice dự báo giá dầu có thể tăng vọt lên 250 USD/thùng trong trường hợp đó.
Xem video Iran công bố về vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ (nguồn: Independent):
Những vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman và phía Đông Nam Iran gần đây đã nhanh chóng đẩy giá dầu lên 10%. Giá dầu tăng sẽ gây tác động tới chi tiêu tiêu dùng của Mỹ, khiến kinh tế suy giảm.
Kịch bản không chiến tranh
Theo trang middleeastemonitor, Mỹ và Iran dường như khó có thể tránh chiến tranh nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn như hiện nay.
Tổng thống Trump khó bỏ thái độ thù địch với Iran. Trong khi Triều Tiên có thể tìm kiếm đối thoại khi đối mặt với cách tiếp cận “lửa cháy và giận dữ” của Tổng thống Trump, nhưng Iran thì khác.
Trong trường hợp hai bên giảm căng thẳng thì hậu quả về mặt ngoại giao và chính trị với Mỹ cũng nghiêm trọng không kém gì hậu quả của một cuộc chiến thực sự.
Thứ nhất, chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump đang tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trong niềm tin vào Mỹ với tư cách cường quốc dẫn dắt toàn cầu. Cuộc chiến bất hợp pháp của cựu Tổng thống George W. Bush ở Iraq đã khiến cộng đồng thế giới suy giảm niềm tin nghiêm trọng vào Mỹ. Nhiều động thái của Tổng thống Trump cũng làm mất niềm tin của các nước vào vai trò dẫn đầu của Mỹ.
Sự cứng rắn của Iran trong chống lại Mỹ sẽ khiến chính sách đe dọa để buộc các nước yếu hơn quy phục lung lay trong tương lai. Các nước chống Mỹ khác sẽ có động lực để chống lại Mỹ.
Quan hệ Mỹ-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chắc chắn sẽ xấu đi. Tới nay, các đồng minh Vùng Vịnh vẫn đảm bảo an ninh cho Mỹ trước các mối đe dọa từ Iran nhưng hiện tại, GCC không hài lòng với Mỹ vì không trả đũa Iran sau khi Iran bắn máy bay không người lái.
Riyadh và Abu Dhabi có thể coi cam kết phòng thủ của Mỹ là hời hợt và bí mật có cách tiếp cận riêng với Iran.
Thứ hai, các đối thủ toàn cầu của Mỹ như Trung Quốc và Nga rất muốn tận dụng cơ hội từ leo thang căng thẳng Mỹ-Iran. Mỹ càng gây nhiều sức ép với Iran, Iran càng quay sang Nga và Trung Quốc tìm kiếm ủng hộ.
Cả ba quốc gia này đều đang bị Mỹ trừng phạt và có lợi ích chung để chống và kiềm chế thế độc quyền toàn cầu của Mỹ.
Với Nga, Iran là nhân tố quan trọng trong chiến lược Syria và là đối tác chính trong cuộc chiến chống các phiến quân ở Trung Đông và vùng Caucasus.
Với Trung Quốc, Iran là một mắt xích quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Cả Trung Quốc và Nga đều không muốn Mỹ khuất phục Iran và kiểm soát nguồn dầu của nước này.
Cho dù trong trường hợp nào thì Tổng thống Trump cũng sẽ mất nhiều thứ hơn khi leo thang khủng hoảng với Iran.