Triều Tiên và Iran – Hai chiến lược đàm phán hạt nhân thất bại của Mỹ

Cùng liên quan tới hạt nhân, nhưng Iran và Triều Tiên là hai vấn đề rất khác nhau. Nhà Trắng cũng có cách tiếp cận rất khác nhau với hai quốc gia này nhưng tới nay, dường như không cách tiếp cận nào có hiệu quả. 

Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang cải thiện, hai trong số những cuộc chiến dài nhất của Mỹ tạm bớt nóng, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đang lụi tàn.

Tuy nhiên, theo kênh CNN, Tổng thống Trump lại không trân trọng một trong những món quà mà người tiền nhiệm Barack Obama để lại: thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: aljazeera

Mặc dù một số người cho rằng thỏa thuận có một số điểm yếu vì không hạn chế hoàn toàn tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực nhưng ít nhất thỏa thuận này đã giải quyết được vấn đề nguy hiểm nhất. Đó là trì hoãn thời gian Iran sản xuất bom hạt nhân ít nhất là trong một thập kỷ - đủ thời gian để cải thiện tình hình và để những tiếng nói cứng rắn ở mọi bên trong cuộc xung đột biến mất.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại chỉ nhìn thấy lỗ hổng của thỏa thuận. Ông đã chịu ảnh hưởng của các cố vấn “diều hâu” như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Những nhân vật này cho rằng đàm phán cứng rắn và đe dọa hành động quân sự có thể thay đổi hành vi và làm suy yếu Iran.

Những diễn biến trong tuần này cho thấy dự đoán của các quan chức trên chỉ đúng một nửa.

Nền kinh tế Iran tiếp tục thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và có thể tiếp tục thiệt hại nữa. Dù vậy, phản ứng của Iran với vụ tàu chở dầu bị tấn công cũng như động thái rút dần khỏi thỏa thuận hạt nhân cho thấy nước này không sẵn sàng lùi bước. 

Trong khi đó, Mỹ vẫn thích trừng phạt hơn là tập trung vào ngoại giao. Mặc dù Tổng thống Trump nói ông không thực sự muốn chiến tranh và sẽ sẵn sàng đàm phán với Iran, nhưng động thái điều thêm 1.000 binh sĩ tới khu vực Trung Đông lại khiến dư luận nghĩ khác.

Theo CNN, cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ rất hỗn độn, kéo dài và khiến đồng minh khu vực của Mỹ phải trả giá đắt. Do đó, Tổng thống Trump không tỏ ra vội vàng khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần. Việc ông chấp nhận kế hoạch tấn công Iran nhưng lại rút lại cho thấy sự tính toán kỹ càng. 

Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump bắt đầu bằng “lửa cháy và thịnh nộ” nhưng nhanh chóng nhận ra cuộc xung đột trực tiếp với Triều Tiên có thể gây hậu quả khó lường.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội ngày 28/2. Ảnh: AFP

Binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc sẽ đối mặt với các cuộc tấn công của Triều Tiên. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc với cả chục triệu dân cũng sẽ chung số phận. Tính toán sau lầm với Triều Tiên có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng trong vài giờ. Tên lửa của Triều Tiên một ngày nào đó có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ. Xung đột với Triều Tiên sẽ rất rủi ro với Mỹ.

Vì thế, Tổng thống Trump đã chuyển từ cảnh báo, đe dọa hủy diệt Triều Tiên sang cách tiếp cận mềm mỏng, mang tính cá nhân hơn. Ông tự hào khoe những bức thư đẹp nhận từ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, ca ngợi tình bạn giữa mình và nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Thay vì tỏ thái độ cứng rắn như với Iran, Tổng thống Trump xây dựng mối quan hệ cá nhân với Chủ tịch Triều Tiên. Kết quả của mối quan hệ này là Mỹ và Triều Tiên đã có hai hội nghị thượng đỉnh ở Singapore và Việt Nam.

Cách tiếp cận của Mỹ với Iran và Triều Tiên cũng ảnh hưởng tới cách nhìn nhận của hai nước này.

Iran thấy Triều Tiên từng cảnh báo Mỹ nhiều lần qua các vụ thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo nhưng sau đó lại ngồi cùng bàn đàm phán với Mỹ. Iran khá chắc rằng khi mình có vũ khí mạnh hơn thì lời đề nghị điện đàm với Tổng thống Iran của ông Trump vẫn còn có giá trị.

Còn Triều Tiên, nước này thấy rõ ràng Mỹ muốn đàm phán cứng rắn với Iran những không thực sự muốn xung đột và rơi vào vòng xoáy leo thang căng thẳng.

Tóm lại, với Iran, Mỹ chuyển từ biện pháp ngoại giao sang đe dọa quân sự. Còn với Triều Tiên, Mỹ tiếp cận ngược lại: từ đe dọa sang ngoại giao cá nhân giữa hai lãnh đạo. 

Dù dùng cách tiếp cận nào thì Mỹ vẫn vướng vào hai cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa thể giải quyết. Sau hai cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ và Triều Tiên bế tắc vì chưa đạt được một thỏa thuận chi tiết giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Còn tình hình với Iran diễn biến ngày càng tệ hơn, thậm chí còn khiến dư luận lo ngại xảy ra xung đột quân sự ở Trung Đông

Trong khi Triều Tiên và Iran học kinh nghiệm nhau để đối phó với Mỹ, Mỹ vẫn loay hoay với cả hai cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Trump có thể học hỏi gì từ ông Ronald Reagan trong xử trí với Iran
Tổng thống Trump có thể học hỏi gì từ ông Ronald Reagan trong xử trí với Iran

Phản ứng cẩn trọng của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong căng thẳng vào thập niên 80 của thế kỷ trước với Iran được coi là hình mẫu tránh rơi vào xung đột cho ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN