Cuộc khủng hoảng do Mỹ tạo ra
Sau vụ hai tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman ngày 13/6 mà Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, nhiều diễn biến liên tiếp sau đó khiến dư luận lo có thể xảy ra xung đột quân sự Mỹ-Iran.
Video tàu chở dầu bốc cháy trên Vịnh Oman (nguồn: Guardian):
Mỹ đã tung ra một video mà Mỹ cho là bằng chứng chứng minh Iran gây ra vụ tấn công tàu chở dầu. Trong video độ phân giải kém, Mỹ cho rằng tàu hải quân của Iran đã tiếp cận một tàu chở dầu để gỡ mìn chưa phát nổ gắn trên thân tàu. Iran đã bác cáo buộc trên.
Theo tờ Guardian, đoạn video kiểu này được tung ra nhằm nhiều mục đích. Trong cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran hiện tại, chúng được coi là bằng chứng chính thức cho thấy ý đồ của Mỹ. Video này có thể được sử dụng để biện minh cho những hành động leo thang vô lý và gây hấn, đồng thời tạo áp lực với những đồng minh đang còn chần chừ trong việc ủng hộ hành động của Mỹ.
Tờ báo cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay được nhào nặn và điều khiển từ Washington, do một nhóm những chính khách mang quan điểm cứng rắn xung quanh Tổng thống Trump thực hiện. Họ ôm sự thù hằn với chế độ Iran và khiến cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng bằng những hành động liều lĩnh.
Video Mỹ tung ra làm bằng chứng cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu (nguồn: Guardian):
Kể từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, quan hệ Mỹ-Iran xuống dốc nghiêm trọng với những biện pháp trừng phạt và chiến dịch gây sức ép tối đa mà Mỹ áp đặt nhằm cô lập và làm suy yếu chính quyền Iran. Mặc dù cả Tổng thống Trump và các quan chức Mỹ đều nói không muốn thay đổi chế độ Iran, nhưng những động thái tiếp đó của Mỹ lại có thể nhanh chóng kích hoạt chiến tranh nguy hiểm ở Trung Đông.
Đa số quốc gia không sẵn sàng chấp nhận một cuộc chiến nữa ở Trung Đông. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton gần như không bỏ lỡ cơ hội nào để công kích Iran, nhưng tới nay, cuộc vận động các nước khác ủng hộ Mỹ trong vấn đề Iran chưa diễn ra theo ý muốn của những nhân vật “diều hâu” trong chính quyền Mỹ.
Đoạn video mờ ảo do Mỹ cung cấp không thuyết phục được tất cả các quốc gia. Dù Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hoan nghênh đoạn video của Mỹ, nhưng các lãnh đạo châu Âu khác không bị thuyết phục. Nga và Trung Quốc cũng phản đối Mỹ, cáo buộc Mỹ làm bất ổn khu vực và có hành vi đơn phương không dựa trên căn cứ luật pháp quốc tế.
Các nước láng giềng của Iran cũng rất thận trọng. Ngoài những tiếng nói ở Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất hay Israel, những nước khác gần Iraq, như Thổ Nhĩ Kỳ và các nước nhỏ hơn ở vùng Vịnh, không có lợi ích gì trong một cuộc xung đột.
Ngay cả người dân Mỹ cũng không ủng hộ quan điểm của chính quyền về Iran. Cuộc khảo sát của Reuters và Ipsos thực hiện tháng 5 cho thấy 49% người Mỹ không ủng hộ cách Tổng thống Trump xử lý vấn đề Iran. 53% người được hỏi coi Iran là mối đe dọa nhưng 60% cho biết không ủng hộ Mỹ đánh phủ đầu quân sự Iran.
Những tiếng nói phản đối Mỹ mạnh nhất tất nhiên tới từ Iran. Theo tờ Guardian, trái với ông Pompeo hay Bolton, những gì Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói lại tỏ ra thuyết phục dư luận quốc tế. Ông Zarif nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ, đặc biệt là với lĩnh vực xuất khẩu dầu, đã gây tổn hại vô lý cho người dân Iran và kinh tế quốc tế. Ông cũng chỉ ra rằng không giống Mỹ, Iran đã tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Mỹ leo thang căng thẳng
Sau vụ tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman, Mỹ đã có một số động thái leo thang căng thẳng. Ngày 17/6, Mỹ đã quyết định điều thêm 1.000 binh sĩ tới Trung Đông. Theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan, việc điều thêm binh sĩ này là để phòng thủ trước những mối đe dọa ở Trung Đông và dù không muốn xung đột với Iran nhưng Mỹ sẽ điều chỉnh binh lực ở Trung Đông khi cần thiết.
Trong khi đó, xuất hiện thông tin Mỹ đang chuẩn bị triển khai một cuộc tấn công chiến thuật lớn nhằm vào các mục tiêu của Iran. Theo nguồn tin trên tờ Maariv của Israel, chiến dịch ném bom tuy lớn nhưng sẽ chỉ nhằm vào một mục tiêu cụ thể, có thể là cơ sở liên quan chương trình hạt nhân Iran.
Báo Maariv cho rằng phương án hành động quân sự đã được thảo luận để đối phó với Iran nhưng Tổng thống Trump không hào hứng với kế hoạch. Dù vậy, ông đã hết kiên nhẫn với Iran và cho phép Ngoại trưởng Pompeo đẩy mạnh hành động với Iran. Ông Pompeo từng cảnh báo cân nhắc mọi lựa chọn, kể cả biện pháp quân sự.
Theo tờ Politico, chính quyền của ông Trump và các đồng minh chính trị đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Iran mà không tham vấn Quốc hội. Đây là một chiến dịch PR đã được thực hiện từ trước cả khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman.
Trong vài tháng qua, các phụ tá cấp cao của Tổng thống Trump đã thuyết phục dư luận rằng chính quyền Mỹ có thẩm quyền hợp pháp để hành động quân sự chống Iran dựa theo một luật từng được Mỹ sử dụng để tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan.
Ông Bolton đã cảnh báo Iran trong một cuộc phỏng vấn tuần trước: “Họ sẽ mắc sai lầm lớn nếu nghi ngờ quyết tâm của Tổng thống về vấn đề này”. Trong khi ông Shanahan thông báo kế hoạch điều thêm 1.000 binh sĩ thì ông Pompeo đã họp với quan chức quân đội để bàn mối lo ngại an ninh trong khu vực.
Trái với ông Pompeo hay Bolton, Tổng thống Trump không coi sự cố trên Vịnh Oman là vấn đề có tầm quan trọng quốc tế. Ngày 17/6, ông Trump trả lời phỏng vấn tạp chí Time và nói rằng hành vi mà Iran bị cáo buộc tại Vịnh Oman là chuyện “rất nhỏ”. Tổng thống Trump cho biết ông đã chuẩn bị triển khai hành động quân sự để ngăn chặn Iran sở hữu bom hạt nhân, song vẫn để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực nhằm bảo vệ những nguồn cung cấp dầu mỏ.