Tác động từ vòng xoáy thuế quan và lệnh trừng phạt với quan hệ Nga - Trung Quốc

Giữa vòng xoáy căng thẳng toàn cầu, Nga tăng cường hợp tác với Trung Quốc về năng lượng, công nghiệp và tài chính. Nhưng sức ép từ Mỹ, lệnh trừng phạt và cuộc chiến thuế quan đang khiến mối quan hệ này gặp thử thách lớn.

Chú thích ảnh
Từ dầu mỏ đến viễn thông, hợp tác Nga – Trung đang đối mặt với hàng loạt rào cản từ Mỹ và EU (trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái, và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Moskva ngày 8/5/2025). Ảnh: THX/TTXVN

Bình luận trên trang web của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai (valdaiclub.com) mới đây, Tiến sĩ Khoa học Chính trị Ivan Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) cho rằng mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đang ở mức cao chưa từng có, với Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Moskva trong bối cảnh các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây.

Trung Quốc không chỉ là nguồn cung cấp hàng công nghiệp và tiêu dùng thay thế mà còn là thị trường năng lượng và nguyên liệu thô lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, Tiến sĩ Timofeev cũng lưu ý, các yếu tố chính trị bên ngoài, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và lệnh trừng phạt, đang tạo ra những thách thức đáng kể cho mối quan hệ chiến lược này.

Áp lực từ cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến sự leo thang rõ rệt trong cuộc chiến thương mại, được thể hiện qua sắc lệnh hành pháp ngày 2/4 vừa qua. Sắc lệnh này không chỉ tăng thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia mà còn áp đặt mức thuế riêng biệt cho hơn 70 quốc gia, với mục tiêu tái công nghiệp hóa Mỹ và cân bằng cán cân thương mại.

Trung Quốc, với vai trò là một trong số ít quốc gia dám đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương ứng, đã châm ngòi cho một cuộc đua thuế quan bùng nổ, dù hiện đã tạm lắng nhờ các cuộc đàm phán tại Geneva. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại "chống lại toàn thế giới" của Mỹ vẫn coi Trung Quốc là mục tiêu trọng tâm. Điều này xuất phát từ mức thâm hụt thương mại cao mà Mỹ đã phải đối mặt với Trung Quốc trong hơn bốn thập kỷ.

Tình hình trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc đạt được bước nhảy vọt đáng kể về phát triển công nghiệp và công nghệ, dần vượt qua vị thế "ngoại vi" trong nền kinh tế toàn cầu, chiếm lĩnh thị trường nội địa và thâm nhập sâu vào thị trường nước ngoài. Mặc dù vẫn phụ thuộc vào linh kiện, bằng sáng chế và giải pháp công nghệ của Mỹ trong một số ngành, Trung Quốc đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc này. Sức mạnh công nghiệp và công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc đang trở thành một vấn đề chính trị đối với Mỹ, điều đã được nhận diện rõ ràng ngay từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.

Do đó, Tiến sĩ Timofeev cho rằng áp lực từ Mỹ đối với Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp diễn, với các biện pháp hạn chế mới (trừng phạt) trong lĩnh vực viễn thông và các ngành công nghiệp khác. Thậm chí, một số vấn đề nhạy cảm (như vấn đề dân tộc thiểu số ở Tân Cương của Trung Quốc) cũng đang được chính quyền Trump tái chính trị hóa trong quan hệ Mỹ - Trung, vốn bị chính quyền Biden trước đây tránh né.

Tác động lan toả đến quan hệ Nga - Trung

Cho đến nay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít ảnh hưởng trực tiếp đến Nga. Nga đã phải đối mặt với vô số biện pháp hạn chế từ phương Tây và thương mại với Mỹ đã giảm đáng kể từ năm 2022. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể cảm nhận được những tác động gián tiếp. Ví dụ, Mỹ có thể đề nghị Trung Quốc mua năng lượng của Mỹ như một biện pháp điều chỉnh cán cân thương mại, điều này có khả năng ảnh hưởng đến khối lượng cung cấp dầu của Nga cho Trung Quốc.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại nói chung có thể gây áp lực giảm giá dầu, điều này bất lợi cho Nga. Dù vậy, Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và không tham gia vào các vấn đề chính trị hóa, nên khó có khả năng Trung Quốc từ chối nguồn cung của Nga ngay cả khi chiến tranh thương mại leo thang.

Một yếu tố khác là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Dù các cuộc đàm phán Nga - Mỹ về Ukraine đã bắt đầu vào năm 2025, và Washington tạm tránh các lệnh trừng phạt mới, nhưng nếu đàm phán thất bại, Mỹ sẵn sàng tái leo thang. Các cơ chế pháp lý hiện hành cho phép mở rộng danh sách các đối tượng bị chặn, bao gồm cả các công ty Trung Quốc hợp tác với Nga. Chính quyền Biden trước đây đã sử dụng rộng rãi thực tế này, biến các công ty sản xuất nhỏ hoặc công ty trung gian của Trung Quốc trở thành mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt thứ cấp liên quan đến việc giao hàng hóa công nghiệp và điện tử cho Nga.

Đặc biệt, Sắc lệnh Hành pháp 14114 của Tổng thống Mỹ (ngày 22/12/2023) đe dọa các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính nước ngoài thực hiện giao dịch có lợi cho tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga. Mặc dù các lệnh trừng phạt trực tiếp đối với các tổ chức tài chính lớn của Trung Quốc gần như chưa được áp dụng (ngoại trừ một số đại lý thanh toán vào tháng 1/2025), nhưng chính mối đe dọa này đã buộc các ngân hàng Trung Quốc phải hết sức thận trọng trong giao dịch với Nga, tạo ra một vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Thêm vào đó là dự luật của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và các thành viên khác của Quốc hội Mỹ, đề xuất áp thuế 500% đối với các quốc gia mua nguyên liệu thô của Nga (bao gồm cả dầu mỏ) nếu đàm phán về Ukraine thất bại. Mặc dù việc thông qua dự luật này và khả năng áp dụng mức thuế khổng lồ đối với Trung Quốc còn rất xa vời, sự tồn tại của một quy chuẩn như vậy sẽ làm tăng rủi ro cho các doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà cung cấp nguyên liệu thô của Nga.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU), khác với Mỹ, vẫn tiếp tục xu hướng leo thang các lệnh trừng phạt đối với Nga bất chấp các cuộc đàm phán về Ukraine. Brussels đang mở rộng việc áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp, ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và không ảnh hưởng đến bất kỳ công ty Trung Quốc đáng kể nào. Các thách thức có thể phát sinh từ việc EU mở rộng lệnh cấm đối với việc cung cấp dịch vụ tài chính cho các ngân hàng Nga, điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này lại thúc đẩy Nga sử dụng hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc, một giải pháp thay thế.

Nhìn chung, Tiến sĩ Timofeev lưu ý quan hệ kinh tế Nga - Trung vẫn vững chắc, được củng cố bởi nhu cầu của Nga về thị trường thay thế và nguồn cung cấp. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với một môi trường địa chính trị đầy biến động, nơi các chính sách của Mỹ và EU có thể tạo ra những rào cản đáng kể. Sự khéo léo trong chính sách đối ngoại và kinh tế sẽ là chìa khóa để Moskva và Bắc Kinh vượt qua những thách thức này và tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược của mình. 

Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc
Hành động cân bằng khó khăn của Mỹ ở châu Á
Hành động cân bằng khó khăn của Mỹ ở châu Á

Chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump đang làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ trong việc cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Washington có đang tự làm khó mình?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN