Tổng thống Trump có thể học hỏi gì từ ông Ronald Reagan trong xử trí với Iran

Phản ứng cẩn trọng của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong căng thẳng vào thập niên 80 của thế kỷ trước với Iran được coi là hình mẫu tránh rơi vào xung đột cho ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm Donald Trump.

Chú thích ảnh
Bức ảnh chụp cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong năm 1991. Nguồn: Reuters

Ngày 12/5, 4 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi thành phố cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sáng 13/6, hai tàu chở dầu là Kokuka Courageous (Nhật Bản) và Front Altair (Na Uy) đã bị tấn công khi đang thực hiện hải trình qua Vịnh Oman.

Những vụ tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Ba Tư trong thời gian gần đây khiến nhiều chuyên gia liên tưởng đến vụ việc tương tự trong cuối thập niên 80. Kể từ năm 1984, Iran đã tiến hành nhiều vụ tấn công vào tàu chở dầu của Iraq vận chuyển “vàng đen” từ Kuwait.

Hải quân Mỹ khi đó quyết định hộ tống các tàu chở dầu mang cờ Kuwait qua Vịnh Ba Tư và Eo Hormuz. Từ đây dẫn đến đối đầu trên biển giữa Mỹ và Iran, ngoài ra quân đội Mỹ còn vô tình bắn hạ một máy bay chở khách của hãng hàng không Iran khiến 290 người thiệt mạng.

Ngọn nguồn dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ bất đồng giữa Iran và Iraq trước đó, khi Tổng thống Iraq Saddam Hussein ra lệnh đưa quân đến Iran trong năm 1980. Mỹ đã hỗ trợ quân đội Iraq bằng việc cung cấp thông tin tình báo, vũ khí…

Cuộc chiến tranh này đã khiến 1 triệu người thiệt mạng. Iraq nhắm đến các thành phố và kho chứa dầu của Iran. Đáp lại, Iran quyết định xử lý các tàu chở dầu của Iraq – vốn là nguồn tài chính cho cuộc chiến tranh mà ông Hussein phát động.

Kuwait cũng rơi vào cuộc giằng co và muốn tìm cách bảo vệ các tàu chở dầu của mình. Mỹ đã đứng ra hộ tống các tàu chở dầu của Kuwait qua Vịnh Ba Tư từ tháng 7/1987. Đến tháng 4/1988, mìn của Iran đã “vô hiệu hóa” tàu USS Samuel B. Roberts của Hải quân Mỹ khiến 10 thủy thủ bị thương.

Vụ tấn công dẫn đến cuộc “so tài hỏa lực” chớp nhoáng giữa lực lượng hải quân Mỹ và Iran. Sau đó xảy ra thêm một vài cuộc chạm trán nhỏ khác và tình trạng này chỉ dừng lại sau khi Iran-Iraq ngừng bắn trong tháng 7/1988.

Tờ Politico (Mỹ) cho biết điều gây chú ý trong thời gian căng thẳng cách đây 30 năm là cách phản ứng kiềm chế của chính quyền Tổng thống Ronald Reagan.

Tổng thống Ronald Reagan thường dùng những ngôn từ khắt khe về đối thủ của Mỹ và Iran cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng ngay cả khi Iran khiến một chiến hạm Mỹ “thương tích nặng” thì chính quyền Tổng thống Reagan đã phản hồi rất từ tốn và nhã nhặn. Không hề có cuộc không kích nào nhằm vào mục tiêu trên lãnh thổ Iran. Khi đó Nhà Trắng nỗ lực giảm thiểu tối đa nguy cơ leo thang căng thẳng.

Trước đó vài tháng đã xảy ra một trường hợp đáng chú ý. Năm 1987, Đô đốc James “Ace” Lyons ngỏ ý muốn tấn công quy mô vào Iran. Đô đốc Lyons thậm chí trình bày ý tưởng lên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Caspar Weinberger và nhấn mạnh rằng nếu tập trung hỏa lực có thể xóa sổ 70% thương mại Iran qua các cảng biển trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, khi Đô đốc Lyons dường như đã sẵn sàng để triển khai kế hoạch thì ông nhận được mệnh lệnh phải từ chức.

 

Chú thích ảnh
Tình hình Trung Đông đã nóng hơn trong thời gian gần đây và các chuyên gia đánh giá Tổng thống Trump có thể học hỏi từ ông Reagan. Ảnh: Reuters

Politico đánh giá trường hợp hiện nay có nhiều tương đồng so với 30 năm trước. Tuy chưa có bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump sẽ đi theo con đường của ông Reagan nhưng hai nhà lãnh đạo có điểm chung là tránh ngôn từ quá cứng rắn và không hào hứng với việc sử dụng lực lượng vũ trang.

Trong những năm 87 và 88, Iran sau thời gian dài đối đầu với Iraq cũng có dấu hiệu mệt mỏi và Tehran hiểu rõ khó có thể cầm cự được trong trường hợp xảy ra chiến tranh với cả Iraq và Mỹ. Đến tháng 5/1987, bi kịch xảy ra. Tàu USS Vincennes trong quá trình đuổi theo tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào lãnh hải Iran đã nhầm máy bay thương mại mang số hiệu 655 của hãng hàng không Iran Air là chiến đấu cơ F-14 do vậy đã tung hỏa lực.

Máy bay Iran Air rơi khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Iran khi đó cho rằng đây là dấu hiệu Mỹ chuẩn bị để đảm bảo Iran sẽ phải nhận thất bại. Do vậy, cuối cùng Iran chịu nhượng bộ chấp nhận đình chiến với Iraq.

Năm 2019 này, Iran tuy gặp nhiều khó khăn cho lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới nền kinh tế tuy nhiên Tehran không phải chịu tình trạng kiệt quệ như cách đây 30 năm. Ngoài ra Iran còn có những “át chủ bài” mà 30 năm trước không có, đó là tên lửa đạn đạo, năng lực chiến tranh mạng.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chính quyền Tổng thống Trump có theo bước chân của ông Reagan giữ kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng hay đi theo con đường khác có thể dẫn đến hậu quả khốc liệt.

Hà Linh/Báo Tin tức
Căng thẳng leo thang với Mỹ, Tư lệnh Iran cảnh báo ‘lạnh gáy’ về tàu sân bay trên biển
Căng thẳng leo thang với Mỹ, Tư lệnh Iran cảnh báo ‘lạnh gáy’ về tàu sân bay trên biển

Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami vừa ra tuyên bố về sức mạnh tên lửa của nước này, gửi thông điệp "lạnh gáy" đến các tàu sân bay trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN