Khi Tổng thống Mỹ gặp người đồng cấp Nga
Tờ Nezavisimaya Gazeta ngày 29/6 dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên đánh giá Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin vào ngày 16/7 tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) nhiều khả năng sẽ không thể đóng vai trò “chiếc phanh” ngừng cuộc đua vũ khí và giảm căng thẳng quân sự trên toàn cầu.
Tổng thống Trump trong một lần gặp gỡ người đồng cấp Nga Putin. Ảnh: Wall Street Journal |
Sau cuộc diện kiến Tổng thống Nga Putin ngày 27/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Washington sẽ không từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu mà thậm chí còn đẩy mạnh cấp chi phí cho kế hoạch này.
Mặc dù cố vấn của Tổng thống Trump khẳng định đối đầu quân sự giữa Mỹ và Nga sẽ khó xảy ra tại Syria thì hãng TASS (Nga) đánh giá Washington cũng không có dấu hiệu nhượng bộ nào.
Chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Vladimir Popov phân tích rằng trong hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ, khi đề cập đến Syria, sẽ không có chuyện Tổng thống Trump đồng ý với yêu cầu của Moskva và Damascus là Washington rút quân khỏi quốc gia Trung Đông bởi điều này chẳng mang lợi ích nào cho Mỹ.
Do vậy, TASS cho rằng Nga và Mỹ sẽ không thể giải quyết những khác biệt then chốt về quân sự liên quan tới Syria và châu Âu trong thời gian gần.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khi diện kiến Tổng thống Nga. Ảnh: AP |
Nhà phân tích tại tổ chức giám sát CIS-EMO, Stanislav Byshok bày tỏ ý kiến cá nhân rằng cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga và Mỹ mang tính biểu tượng và khó mong đợi đột phá trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia sau sự kiện này.
Đài BBC (Anh) dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định nội dung nới lỏng lệnh trừng phạt Washington áp đặt lên Moskva liên quan tới Crimea sẽ không được bàn luận trong hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới.
Cố vấn Bolton đồng thời cho biết Tổng thống Trump sẽ tận dụng Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ để bàn luận về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Đồng minh xa cách Mỹ vì vấn đề thuế
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề thương mại, các đồng minh của Mỹ là Canada và Liên minh châu Âu đều thể hiện sự phản kháng trước mức thuế mới Washington áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu.
Ngày 29/6, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố quốc gia này sẽ áp dụng biện pháp đáp trả lên số hàng hóa Mỹ trị giá 12,63 tỉ USD cho đến khi Washington thay đổi. Mức thuế Canada áp đặt lên hàng hóa của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 và chủ yếu nhắm vào sản phẩm thép, nhôm của Mỹ cũng như cà phê, cà chua, rượu…
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói: “Chúng tôi sẽ không leo thang căng thẳng nhưng cũng không nhượng bộ”. Trong tuần này, Ngoại trưởng Freeland đã trao đổi với Ðại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tới 6 lần và cũng sẵn sàng gặp gỡ bất cứ thời điểm nào để giải quyết vấn đề.
Đại sứ quán Mỹ tại Ottawa chưa có bình luận gì về quyết định mới của chính phủ Canada.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross vào đầu tháng 6 tuyên bố mức thuế mới có mục tiêu ngăn chặn thép giá rẻ đi vào thị trường Mỹ qua Canada và các quốc gia khác.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters |
Cùng ngày 29/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố: “Tôi sẽ đến Washington và trình bày quan điểm của châu Âu. Tôi không chấp nhận việc chính quyền Mỹ muốn chia rẽ Liên minh châu Âu về mặt thương mại”.
Trong tháng 7, ông Jean-Claude Juncker dự kiến đến thăm Mỹ để giải quyết vấn đề liên quan đến thuế của Mỹ áp đặt lên thép và nhôm nhập khẩu.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đồng thời cho biết: “Tôi không chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh châu Âu nhưng chúng ta vẫn cần phải thử”.
Trong cuộc gặp tại Brussels ngày 24/6, lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cho rằng mức thuế Mỹ áp đặt lên thép và nhôm của châu Âu là không công bằng đồng thời ủng hộ động thái đáp trả bằng pháp lý của Ủy ban châu Âu và mức thuế dự kiến mới đối với các hàng hóa từ Mỹ.