Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) có thể gặp người đồng cấp Nga Vladmir Putin tại Helsinki giữa tháng 7. Ảnh: CNN |
Theo kênh truyền hình CNN, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đang có chuyến thăm Moskva để chốt kế hoạch về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 16/7 tại Phần Lan. Trong khi đó, tại thủ đô London (Anh), đám đông biểu tình vẫn tiếp tục tụ tập phản đối chuyến công du nước này của Tổng thống Trump bắt đầu từ ngày 13/7.
Giới quan sát nhận định, NATO lo ngại Tổng thống Trump có thể nhất trí một vấn đề gì đó với người đồng cấp Putin và rồi sau đó họ - những nước còn lại trong NATO - buộc phải nghe và làm theo.
Lịch sử lặp lại
Có thể thấy rõ sự chia rẽ giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo các nước G7 được phô bày trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Canada tháng qua. Ngay từ đầu, Tổng thống Trump đã bày tỏ ý định không muốn tham gia, khi ông lên tiếng hỏi liệu ông có thực sự cần phải đến đó. Buổi tối trước hôm xuất hành, Tổng thống Trump còn lên tài khoản Twitter chỉ trích người đồng cấp Pháp và Canada. Ông tới trễ, hủy một cuộc họp lên kế hoạch từ trước với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và rời hội nghị sớm, bỏ lại các nhà lãnh đạo khác bàn về vấn đề đại dương và môi trường mà không có ông.
Trái ngược hẳn khi ở Quebec, Tổng thống Trump lại bày tỏ thái độ hào hứng trước điểm đến Singapore để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Kết quả chuyến thăm, Tổng thống Trump tuyên bố dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, gọi điều đó là khiêu khích và khẳng định xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp với người đồng cấp Triều Tiên.
CNN cho rằng chính thái độ "quay ngắt 180 độ" đối với các đồng minh lâu năm và Triều Tiên là lý do khiến NATO toát mồ hôi hột về chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Trump, và lo sợ lịch sử sẽ lặp lại: Tổng thống Trump quay lưng với đồng minh đồng thời lại đi thân thiết với "kẻ thù".
Trong một vài tuần trở lại đây, Tổng thống Trump đã thể hiện một thái độ mang tính hòa giải hơn với Nga, bao gồm cả yêu cầu hối thúc các nhà lãnh đạo G7 cho Nga trở lại nhóm. Trong cuộc điện đàm tháng 3, Tổng thống Trump đã ngó lơ lời khuyên của cố vấn mà gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử. Thậm chí Tổng thống Trump còn đề xuất sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ngay tại Nhà Trắng.
Về phần châu Âu, phần lớn các nhà lãnh đạo luôn muốn duy trì các biện pháp trừng phạt Nga. Tại trụ sở NATO ở Brussels, các cuộc họp luôn bàn về việc gia tăng sức ép nhiều hơn nữa đối với Moskva thay vì nói về chính sách làm ấm mối quan hệ. Một số quan chức châu Âu lo ngại chính thái độ thân thiện của Tổng thống Trump với người đồng cấp Putin có thể dẫn đến sự suy yếu sức ép mà các đồng minh đang nỗ lực áp đặt lên Moskva.