Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn cho biết lượng du khách quốc tế tới Thái Lan từ ngày 1 - 9/2 giảm 43,4% so với cùng kỳ năm trước, xuống khoảng 730.000 lượt, do du khách Trung Quốc giảm 86,6%. Ông Phiphat dự báo thị trường khách Trung Quốc có thể giảm 90% trong tháng 2. Tuy nhiên, nếu việc khống chế dịch bệnh có hiệu quả và Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm du lịch trước cuối tháng 3, rất có khả năng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục sẽ trở lại Thái Lan trong dịp Tết cổ truyền Songkran (còn gọi là Lễ hội té nước) vào tháng 4 tới. Dựa trên kịch bản đó, số lượng du khách Trung Quốc tới Thái Lan có thể đạt 1,4-1,5 triệu lượt mỗi tháng từ tháng 6 tới tháng 7, tăng so với mức trung bình 900.000 lượt/tháng.
Theo ông Phiphat, việc miễn vissa đối với hai thị trường du lịch chính gồm Trung Quốc và Ấn Độ là biện pháp thiết yếu, sẽ giúp giảm tắc nghẽn tại những sân bay đông đúc và tăng khả năng tiếp nhận khách của Thái Lan. Ông Phiphat cho biết Bộ Du lịch và Thể thao dự kiến trình chính sách miễn visa lên Nội các vào tháng 4, khi chương trình miễn phí thị thực tại điểm đến (VOA) kết thúc vào ngày 30/4, nhưng với điều kiện rằng nhà chức trách Trung Quốc trước tiên phải giải quyết được dịch COVID-19.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đã chỉ thị Bộ Tài chính đưa ra các biện pháp khắc phục dành cho ngành du lịch - khu vực sử dụng tới 20 triệu lao động ở nước này. Ông Somkid cho biết cùng với những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp mới được thông qua dành cho các công ty lữ hành, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc mở thêm những kỳ nghỉ đặc biệt trong quý I và II năm nay nhằm khuyến khích người dân Thái Lan du lịch nội địa trong nửa đầu năm, qua đó giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19. Hiện đang có đề xuất kéo dài kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran vào tháng 4 để kích thích nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Ông Somkid cho biết ông đã sẵn sàng trình lên Nội các đề xuất này, vì vào dịp đó người dân sẽ trở về quê nhà và hoạt động đi lại nhiều sẽ thúc đẩy du lịch và hỗ trợ nền kinh tế.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Văn phòng di trú Bandung - thành phố lớn thứ 4 của Indonesia - cho biết sẽ cấp “gia hạn visa đặc biệt” cho du khách Trung Quốc bị kẹt lại sau khi Indonesia ngừng mọi chuyến bay giữa nước này với Trung Quốc Đại lục do dịch COVID-19 (nCoV).
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn chính thức Antara, Trưởng Văn phòng Di trú Bandung, ông Uray Avian cho biết: “Chúng tôi đã nhận được chỉ thị từ Văn phòng Tổng cục Di trú nhằm cấp gia hạn giấy phép lưu trú đặc biệt cho các công dân Trung Quốc”. Quan chức trên giải thích rằng trình tự xin gia hạn visa không có thay đổi, song các nhân viên di trú sẽ không lấy dữ liệu vân tay và sinh trắc học nhằm “tránh tiếp xúc trực tiếp với những người nước ngoài”.
Trung Quốc là một trong những thị trường du lịch lớn nhất của Indonesia. Quốc gia này đã đón 1,97 triệu lượt du khách Trung Quốc trong năm 2017, khoảng 2,7 triệu lượt vào năm 2018, và khoảng 2 triệu lượt vào năm ngoái. Tuy nhiên, số lượng du khách Trung Quốc tới thăm Indonesia đã giảm mạnh từ đầu năm đến nay do dịch COVID-19.
Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc quyết định tạm treo hơn 81.000 visa mà Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc đã cấp từ ngày 4/2, thời điểm lệnh cấm nhập cảnh đối với khách du lịch không phải người Hàn Quốc đến từ tâm dịch ở Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tổng cộng 81.589 visa đã được cấp tại Vũ Hán, trong đó 94,4% là visa ngắn hạn, chủ yếu cho khách du lịch.
Cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc cũng áp dụng lệnh tạm hoãn chương trình miễn visa cho du khách Trung Quốc đến đảo nghỉ dưỡng Jeju từ ngày 4/2. Như vậy, mọi du khách đến đây đều phải có visa.