Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ryan cho biết: "Ngoài các trường hợp trên du thuyền Diamond Princess, chúng tôi không thấy sự gia tăng đến mức thảm họa số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc". Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng một nhóm chuyên gia đặc biệt của WHO sẽ đến Trung Quốc trong tuần này để hỗ trợ chống dịch.
Trong ngày 13/2 đã có thêm 44 ca nhiễm mới trên du thuyền Diamond Princess, nâng tổng số người nhiễm tại đây lên 219 ca. Chính quyền Nhật Bản đã quyết định đưa một số hành khách cao tuổi lên bờ trong ngày 14/2, và họ sẽ tiếp tục được cách ly cho đến hết thời gian quy định là ngày 19/2 tới.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, 1.455 hành khách và 802 thủy thủ trên du thuyền MS Westerdam, đang neo tại cảng Sihanoukville của Campuchia, sẽ bắt đầu được lên bờ. Trước đó, được phép của chính quyền Campuchia, du thuyền đã cập cảng Sihanoukville từ ngày 13/2 để các quan chức Campuchia lên tàu thu thập mẫu xét nghiệm COVID-19. Bộ Y tế Campuchia cho biết sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, không ai trên tàu có kết quả dương tính với nCoV, vì vậy các cơ quan chức năng Campuchia đã cho phép các hành khách được lên bờ vào sáng 14/2.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã tặng hoa cho các hành khách lên bờ sau hai tuần lênh đênh trên biển trong tình trạng bất trắc. Du thuyền MS Westerdam khởi hành từ khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 1/2 và dự định kết thúc hành trình tại Yokohama, Nhật Bản vào ngày 15/2 tới. Tuy nhiên, tàu đã bị từ chối cập cảng Nhật Bản, đảo Guam của Mỹ, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), và Thái Lan do lo ngại nguy cơ lây nhiễm nCoV.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Campuchia nghĩa cử này, coi đây là một hình mẫu của sự hợp tác quốc tế.