Phóng viên TTXVN tại London dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ rõ, cho đến hiện tại thì ở châu Âu mới chỉ có vài trường hợp nhiễm nCoV, nhưng dịch bệnh có thể lan rộng tại châu lục này nếu nhà chức trách không có các biện pháp tích cực ngay từ bây giờ. Ông kêu gọi các nước châu Âu phối hợp kiểm soát để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tính đến ngày 10/2, tại Anh có 8 trường hợp nhiễm 2019-nCoV, trong đó có một doanh nhân Anh bị nhiễm khi dự một hội nghị tại Singapore hồi cuối tháng 1. Doanh nhân này đã đến một khu nghỉ trượt tuyết tại Pháp và được cho là lây virus cho 4 người Anh và tiếp đó là 2 nhân viên y tế tại một phòng khám đa khoa ở thành phố Brighton (Anh).
Trong một diễn biến khác, hãng tin Kyodo dẫn một nguồn thạo tin ngày 11/2 cho biết, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sớm cho phép những người già và hành khách bị bệnh mạn tính rời khỏi du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ở ngoài khơi thành phố Yokohama do những quan ngại về sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra.
Theo nguồn tin, những hành khách cao tuổi và những người có vấn đề mãn tính về sức khỏe có thể rời khỏi du thuyền ngay trong sáng 11/2. Quyết định được đưa ra khi mà hành khách rõ ràng đã chịu nhiều căng thẳng khi bị cách ly lâu dài trên tàu. Khoảng 80% trong số 2.666 hành khách thuộc độ tuổi trên 60, 215 hành khách trong độ tuổi 80 và 11 người ở độ tuổi 90.
Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị 3.600 hành khách cùng thủy thủ đoàn ở lại du thuyền Diamond Princess trong giai đoạn cách ly kéo dài 2 tuần tới ngày 19/2 nhằm tránh sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại nước này.
*Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Y tế Ai Cập ngày 10/2 thông báo chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV) tại quốc gia này, đồng thời 362 công dân Ai Cập trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hiện có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Ai Cập khẳng định vẫn sẽ tăng cường cảnh giác cao trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại biên giới và hải cảng nhằm ngăn chặn nCoV xâm nhập vào Ai Cập. Bên cạnh đó, Bộ này sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng và điều kiện sức khỏe của tất cả các công dân Ai Cập trở về từ Trung Quốc, trong đó có những người đang được cách ly ở bệnh viện tại tỉnh Marsa Matrouh từ hôm 3/2 vừa qua.
Trước đó, nhà chức trách Ai Cập đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh nguy hiểm này, đồng thời tăng cường phòng ngừa bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở giáo dục. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh có nhiều lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV bùng phát tại Trung Quốc và đang tiếp tục lây lan ở phạm vi toàn cầu.
Ngoài ra, Bộ Y tế Ai Cập còn phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai một số biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của 2019-nCoV. Theo đại diện của WHO tại Ai Cập John Jabbour, Ai Cập đã được cung cấp các dụng cụ, trang thiết bị cần thiết để xét nghiệm virus và những vật tư, thiết bị tương tự sẽ được chuyển tới tất cả các nước thuộc khu vực Trung Đông – Bắc Phi nhằm giúp hạn chế sự lây lan của chủng virus này.
Ngày 10/2, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định chính phủ Italy tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa tối đa trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp chủng mới của virus corona (2009-nCoV) gây ra, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ và đoàn kết với người dân Trung Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu sau cuộc họp liên bộ nhằm cập nhật về rủi ro sức khỏe liên quan đến nCoV và đánh giá tác động của tình trạng khẩn cấp với tình hình kinh tế, Thủ tướng Conte cho biết chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi biện pháp phòng ngừa tối đa với mục tiêu ưu tiên nhằm bảo vệ sức khỏe cho mọi công dân, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của tình trạng khẩn cấp đối với hệ thống kinh tế và sản xuất. Bên cạnh đó, Thủ tướng Conte khẳng định Italy tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ nhân đạo và đoàn kết với người dân Trung Quốc, đồng thời triển khai các nghiên cứu và hợp tác khoa học để hỗ trợ tối đa chính phủ Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio khẳng định việc phong tỏa các chuyến bay trực tiếp giữa Italy và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi cộng đồng khoa học xác nhận tình hình dịch bệnh do 2019-nCoV lây lan chậm.
Cho đến nay, 64 công dân Italy từ Vũ Hán đã được đưa trở về nước, hiện còn một sinh viên 17 tuổi vẫn mắc kẹt tại Vũ Hán do có biểu hiện sốt. Theo thông báo cập nhật từ Viện truyền nhiễm quốc gia Lazzaro Spallanzani, Italy xác nhận 3 trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2009-nCoV, gồm 2 cặp vợ chồng du khách Trung Quốc và 1 công dân Italy trở về từ Trung Quốc. Viện Spallanzani cho biết cả 3 trường hợp kết quả lâm sàng ổn định, tiếp tục được chăm sóc đặc biệt và điều trị kết hợp bằng thuốc kháng virus remdesivir. Ngoài ra, trong số 53 trường hợp xét nghiệm, 38 người đã được xuất viện do có kết quả âm tính với nCoV.
Chính phủ Italy hiện vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp từ ngày 31/1 và tạm ngừng đường bay trực tiếp giữa Italy và Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona.