Pháp thuê máy bay đưa người nhập cư tới trung tâm tạm giữ

Chính phủ Pháp đã thuê máy bay để chở người nhập cư trái phép ở cảng Calais đến các trung tâm tạm giữ hành chính trên khắp đất nước như Metz, Toulouse...


Chính phủ Pháp đã thuê một máy bay phản lực của công ty tư nhân Twin Jet từ 6 tháng qua để chở người nhập cư trái phép ở cảng Calais, miền Bắc nước Pháp, đến các trung tâm tạm giữ hành chính trên khắp đất nước như Metz, Toulouse..., nhằm giải tỏa điểm nóng nhập cư trái phép tại đây.

Các chuyến bay nói trên được thực hiện dưới sự giám sát của hàng cảnh sát, với chi phí lên đến 1,5 triệu euro (hơn 1,7 triệu USD) cho cả năm. Tính đến nay, đã có 13 chuyến bay được thực hiện.

Toàn cảnh khu rừng Calais, nơi sinh sống của khoảng 6.000 người nhập cư. Ảnh: Libération

Thông qua hoạt động trên, chính quyền Pháp muốn duy trì sức ép nhằm hạn chế dòng người nhập cư trái phép tại khu vực bờ biển phía Bắc, đặc biệt là trong các cánh rừng ở ngoại ô thành phố Calais, nơi hiện tập trung khoảng 6.000 người, bởi những người này hy vọng có thể vượt qua eo biển Manche để tới "miền đất hứa" Anh. Tuy nhiên, hoạt động "tốn kém' trên chẳng khác nào việc "bắt cóc bỏ đĩa", bởi người nhập cư được đưa tới các trung tâm tạm giữ hành chính tại các thị trấn hay các thành phố cấp tỉnh, nhưng ngay sau đó lại được thả ra và phần lớn lại nhanh chóng tìm cách quay lại Calais.

Người phát ngôn Liên đoàn cảnh sát biên giới (Unsa) Frédéric Hochart cho biết lực lượng cảnh sát làm việc tại Calais cảm thấy vô cùng mệt mỏi trước những công việc nặng nề họ phải đảm nhiệm hàng ngày. Tuy nhiên, Pháp không phải là quốc gia duy nhất phải chấp nhận chi phí cao cho việc giải tỏa các điểm nóng di cư và nhập cư trái phép này. Cụ thể, theo số liệu điều tra mới đây của tờ Guardian (Anh), "Xứ sương mù" cũng đã phải chi gần 19 triệu euro (hơn 21,6 triệu USD) cho việc thuê các máy bay tư nhân trong 18 tháng qua để trục xuất người xin tị nạn.

Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư, một nguồn tin trong Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/10 cho biết nếu các quốc gia thành viên không tuân thủ hạn ngạch tiếp nhận bắt buộc, liên minh này có thể sẽ phải tạm hoãn tiến trình tái định cư cho những người xin tị nạn tới từ hai nước "cửa ngõ" đang bị quá tải bởi dòng người di cư là Italy và Hy Lạp, trong 2 tuần, ngay sau khi kế hoạch này mới manh nha được triển khai.

Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?
Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?

Thời gian gần đây, hình ảnh những con tàu chở đầy người tị nạn vượt biển đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, thảm kịch lại là một cơ hội kiếm lời rất lớn với nhiều người khác, trong đó có cả các “ông lớn” tại châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN