Lợi nhuận từ kinh doanh di cư rơi vào túi ai?

Thời gian gần đây, hình ảnh những con tàu chở đầy người tị nạn vượt biển đã tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong bối cảnh châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, thảm kịch lại là một cơ hội kiếm lời rất lớn với nhiều người khác, trong đó có cả các “ông lớn” tại châu Âu.


Ngành kinh doanh người di cư đã không chỉ giới hạn là một vài nhóm buôn người, những kẻ chiếm đoạt tiền của người buộc phải rời khỏi quê hương để lao vào một hành trình chết chóc trên những con thuyền bằng cao su hay những xe tải chật ních, kín mít. Đứng sau nó còn có cả những công ty vận tải và những nhà điều phối nơi tạm trú, lực lượng sẽ cung cấp những hỗ trợ hậu cần cơ bản cho giới chức các nước mà người di cư đổ về. 

European Homecare - công ty từng có 25 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ cho người di cư.

Bên cạnh đó còn có các công ty viễn thông bán sim điện thoại với những gói dịch vụ đặc biệt để có thể giúp người di cư thực hiện các cuộc gọi quốc tế. Tại các nhà ga xe lửa, những người bán đồ ăn và nước uống sẵn sàng chặt chém không thương tiếc những người di cư với cái giá gấp 3 - 4 lần so với giá thị trường.

Tới nay, chưa có con số ước tính tổng số tiền mà ngành kinh doanh người tị nạn này mang lại, nhưng chắc chắn nó không dưới hàng triệu đôla. Giới chức Đức đánh giá riêng chi phí đảm bảo nhà ở và cung cấp thực phẩm cho người tị nạn đã lên tới 12.000 euro (13.400 USD)/người/năm. Doanh nhân Bert Karlsson là một trong số những người được hưởng lợi từ làn sóng người di cư đang đổ vào châu Âu. Bert Karlsson là ông chủ một công ty số liệu và đồng thời là người sáng lập đảng chống người nhập cư (nay đã giải tán) tại Thụy Điển. Mới đây Thụy Điển đưa tin công ty của ông, Jokarjo, đã hỗ trợ chính phủ 132 triệu kronor (tương đương 16 triệu USD) để giúp cung cấp nhà ở cho những người đang tìm kiếm quy chế tị nạn tại quốc gia Bắc Âu này.

Sara Sundelius, người phát ngôn của cơ quan nhập cư Thụy Điển, cho hay chính phủ thường bố trí cho những người tìm kiếm quy chế tị nạn trong những căn hộ thông thường, song do tình trạng quá tải, đã có khoảng 21.000 người di cư phải ở trong các cabin, những khách sạn và nhà nghỉ với giá từ 250 - 300 kronor/người/ngày. Thụy Điển là một trong những điểm dừng chân chính của người di cư đến từ Syria, Iraq, Afghanistan và những người hy vọng về sự khởi đầu của một cuộc sống mới ở châu Âu.

Một quốc gia khác mà đa số người di cư mong muốn đặt chân đến là Đức, nơi chính quyền Berlin dự kiến sẽ đón từ 800.000 tới 1 triệu người di cư trong năm nay. Từ lâu, giới chức địa phương Đức đã thuê các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức từ thiện như Diakonie, AWO và Hội Chữ thập đỏ Đức, để bố trí nơi ở cho người di cư. Nhưng nay, đối mặt với làn sóng di cư đông chưa từng có, các công ty tư nhân đã vào cuộc. “Chúng tôi làm những thứ mà một số người xem là bẩn thỉu: kiếm tiền”, Klaus Kocks, một đại diện của công ty nhà ở European Homecare nói. Công ty này bắt đầu hoạt động cung cấp nhà ở cho những người di cư từ 25 năm trước, thời điểm mà hàng chục nghìn người Đức rời Liên Xô và Ba Lan về nước sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Tiếp đó là làn sóng những người tị nạn tới Đức để trốn chạy khỏi cuộc chiến vùng Balkan những năm 1990.

Tuy nhiên, những công ty như European Homecare bị các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích và cáo buộc tìm cách “đi tắt” để hạ giá thành dịch vụ hòng giành hợp đồng từ chính phủ. Đại diện Kocks phủ nhận điều này và khẳng định European Homecare chỉ đơn giản là có vị thế thuận lợi để hạ thấp chi phí các dịch vụ cung cấp. Đó là lợi thế về quy mô khi công ty mua với số lượng lớn các mặt hàng, nhờ đó có thể cung cấp các lán trạn, cùng dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội, thấp hơn giá trung bình 11 euro/người/đêm, Kocks giải thích.

European Homecare hiện đang đàm phán để mua lại các côngtennơ có thể tháo rời từng được sử dụng tại Đại hội Olympic mùa Đông Sochi ở Nga để làm nơi trú ẩn cho những người di cư. Không dừng ở đó, công ty này còn cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người tìm quy chế tị nạn đang phải đối mặt với việc trục xuất sau khi đơn của họ bị bác.

(Còn tiếp)
Thái Nguyễn (Theo AP)
Tây Ban Nha, Italy cứu hàng trăm người di cư trên biển
Tây Ban Nha, Italy cứu hàng trăm người di cư trên biển

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy và Tây Ban Nha ngày 11/10 đã cứu được 523 người di cư trên những con thuyền ọp ẹp cách bờ biển Tripoli (Syria) khoảng 25 hải lý. Những người di cư này đang trong hành trình từ Lybia vượt biển tới Italy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN