Quang cảnh nhà ga Munich, nơi số lượng người tị nạn đổ về trong đã trở nên quá tải. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Thủ tướng Đức Merkel gọi cuộc khủng hoảng này là “một thử thách có tính lịch sử“ đối với châu Âu và để giải quyết có sự chung sức của cả châu Âu. Cũng theo bà Merkel, một Liên minh châu Âu (EU) tự do và đoàn kết vẫn là “mơ ước” của nhiều người di cư từ Đông Âu và Trung Cận Đông, do đó điều EU cần làm là ứng xử thế nào với sức hút này.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh EU không thể đứng ngoài những biến động toàn cầu, do đó chính sách đối ngoại và chính sách hợp tác phát triển của khối cần có tính định hướng cao hơn nữa để tháo ngòi cho các cuộc xung đột cũng như đối phó với những nguyên nhân đằng sau thúc đẩy dòng người di cư. Thủ tướng Merkel cũng đề nghị cần có một giải pháp chính trị để xử lý cuộc xung đột ở Syria, trong đó châu Âu phải có một vai trò lớn hơn. Bên cạnh đó, theo bà Merkel, các nước láng giềng của Syria nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn, cần nhận được thêm sự hỗ trợ từ châu Âu, cũng như châu Âu cần tăng cường đối thoại về chính sách di cư với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi EU cần phải dũng cảm và tiến về phía trước trong việc giải quyết khủng hoảng người di cư cũng như các điểm nóng ở biên giới châu Âu, thay vì can dự hạn chế hoặc “đứng nhìn” như hiện nay. Ông Hollande thậm chí cho rằng nếu EU không hợp tác sâu và đoàn kết hơn trước các thách thức hiện nay, đây sẽ là dấu hiệu cho “sự kết thúc của liên minh này“.
Bài phát biểu của bà Merkel và ông Hollande làm dư luận gợi nhớ đến bài phát biểu tương tự vào tháng 11/1989 cũng tại Nghị viện châu Âu của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp khi đó là ông Helmut Kohl và ông Francois Mitterrand, chỉ vài tuần sau sự kiện Bức tường Berlin. Năm 2015, một lần nữa Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp cũng cùng có bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu khi khu vực này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư, một trong những thách thức lớn nhất của EU từ khi tổ chức này được thành lập đến nay.
* Vấn đề người di cư: Áp lực gia tăng đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel vì chính sách nhập cư
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu nhiều áp lực trong nội bộ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) về chính sách nhập cư của bà. Ngày 7/10, 34 chính trị gia CDU từ nhiều bang của Đức đã cùng ký thư chỉ trích chính sách nhập cư hiện nay của bà Merkel.
Trong thư, những chính trị gia này cho rằng “chính sách đường biên giới mở” mà Thủ tướng Merkel đang áp dụng hiện nay không phù hợp cả với luật pháp Đức và châu Âu, cũng như không tuân theo cương lĩnh hành động của CDU. Bức thư nhấn mạnh, năng lực tiếp nhận của Đức đã đạt tới giới hạn tối đa và chính quyền địa phương ở nhiều khu vực miền Nam của nước này đã ở tình trạng “kiệt sức”.
Mặc dù ủng hộ những giải pháp đã được chính phủ đưa ra thời gian qua, nhưng các chính trị gia cùng ký thư cho rằng vẫn là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng quá tải người tị nạn, trong khi việc tiếp nhận không giới hạn như hiện nay sẽ làm cho tình hình an ninh, chế độ an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Đức bị đảo lộn. Các chính trị gia CDU nhấn mạnh nhiều thành viên của CDU cũng như cử tri ủng hộ đảng đang cảm thấy đường lối của bà Merkel không đại diện cho quan điểm của họ.
Nội dung thư yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Merkel cần có những giải pháp cụ thể hơn nữa để giảm sự quá tải đối với Đức từ dòng người nhập cư và tị nạn khổng lồ hiện nay.
Trong số các chính trị gia CDU ký tên vào bức thư chỉ trích bà Merkel có nhiều lãnh đạo của Liên minh Trẻ ở các bang của Đức (Liên minh Trẻ là tổ chức gồm các đảng viên trẻ của CDU và đảng Xã hội Cơ đốc giáo - CSU), cùng với chủ tịch đoàn nghị sỹ CDU bang Sachsen, chủ tịch đảng CDU vùng Stuttgart và nhiều lãnh đạo của đảng CDU ở cấp bang.