Vấn nạn di cư – Giải pháp không đến từ những bức tường

Đối với vấn đề di dân, châu Âu có thể dựng nên những bức tường ngăn cản người di cư, song không thể ngăn cản khát khao được sống trong an toàn của con người.

 

Không thể ngăn cản dòng người di cư đi tìm cuộc sống yên bình. Ảnh: Reuters

Báo chí Nga những ngày này cho rằng cả Nga lẫn các nước châu Âu đều không thể phủ nhận quyền được an toàn của người dân. Cuối tuần qua, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (INF), các chuyên gia hàng đầu Nga đã gặp gỡ và thảo luận về thực tế cũng như phương thức giải quyết vấn đề di dân, sao cho người di cư được bảo đảm an toàn, được đáp ứng các quyền tối thiểu, mà không làm xáo trộn, ảnh hưởng an ninh ở những quốc gia tiếp nhận họ.


Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể thấy Liên minh châu Âu (EU) đang trải qua một cuộc khủng hoảng liên quan vấn đề di cư lớn chưa từng có với hàng loạt vấn đề nan giải kéo theo. Thậm chí, không ít chuyên gia cho rằng EU đang trải qua "cơn sốc" di cư mà chưa tìm được "thuốc chống sốc" hiệu quả.


Còn đối với người Nga, vấn nạn di cư không chỉ là hàng ngàn người tị nạn Syria mà họ thấy trên truyền hình, đó còn là những công nhân trên công trường, những người bán hàng ngoài chợ và hàng loạt khía cạnh nan giải kéo theo mà người dân Nga đang phải đối mặt mỗi ngày.


Bức tường rào bằng dây thép gai dựng giữa biên giới Hungary - Serbia để ngăn chặn người tị nạn Syria.

Những cuộc di cư tìm nơi yên ổn - đó là một trong những quá trình tự nhiên nhất vốn có trong đời sống xã hội loài người. Những người chạy đi lánh nạn, chạy trốn chiến tranh, bị bắt, bị giam giữ hoặc còn đang lang thang trong nhiều thế kỷ qua... vấn đề di dân có thể nói đã xưa như Trái Đất, song đến nay câu chuyện này còn nhức nhối, bài toán này còn chưa thấy lời giải, và một lần nữa, nó lại bùng lên trong thế kỷ XXI ngay trong lòng các quốc gia được coi là tiên tiến nhất, phát triển nhất. Nó buộc các quốc gia này phải đối mặt giải quyết, mà không thể né tránh.


Toàn cầu hóa, công nghệ truyền thông phát triển như vũ bão, thông tin được truyền tải nhanh chưa từng có, và đáng lẽ con người phải được hưởng những ưu việt này, song khi mà dòng thông tin không thể ngăn nổi, thì dòng người tìm đến những nơi bình yên lại bị chặn đứng. Và các thể chế nhà nước lại đang sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất để kìm hãm, hạn chế sự tự do của con người. Các thể chế lo sợ những dòng chảy không thể kiểm soát của người di cư, lo ngại dòng người này kéo theo những cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, an ninh và xã hội.


Câu chuyện người di cư từ vài năm qua đã là một thử thách thực sự đối với châu Âu. Các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế ngày một leo thang. Khối ung nhọt bất ổn ở Ukraine đã phá hủy hy vọng về một không gian an ninh chung ở châu Âu. Những ngọn gió của "Mùa xuân Ả Rập", và sau đó là sự xuất hiện của cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) đã một lần nữa làm tan vỡ sự yên tĩnh mỏng manh ở biên giới phía nam và đông nam các nước châu Âu. Không ai bảo ai, Nga cũng như nhiều nước EU đều đang hoặc lặng lẽ hoặc công khai "gia cố" biên giới quốc gia, tăng cường quản lý nhà nước đối với xã hội, tạo nên hình ảnh những quốc gia như các "pháo đài bị bao vây". Họ đã quên những viên gạch từng được gỡ bỏ khỏi "Bức tường Berlin". Và giờ đây đang dựng lên nhiều bức tường như thế!


Châu Âu đang cố xây những bức tường. Họ biện hộ rằng: "chúng tôi đang cố gắng để bảo vệ đất nước" (khỏi những hậu quả của những sai lầm của mình). Thực tế, trong trường hợp Syria, dòng người tị nạn chạy khỏi quốc gia này càng lớn, thì càng chứng tỏ sự thất bại thảm hại trong chính sách mà chính các cường quốc của thế giới đề xuất, thực hiện trong nỗ lực nhằm đem lại sự phục hồi và ổn định ở Trung Đông. Song các điều kiện sống vô nhân đạo và vô vàn nghịch cảnh mà người tị nạn Syria đang phải đối mặt lâu nay, là những minh chứng đáng xấu hổ nhất và là kết quả không thể chấp nhận của những chính sách về Trung Đông do Mỹ, Nga và châu Âu khởi xướng và cùng nhau thực hiện. Giờ đây họ có chịu trách nhiệm về những gì đã và sẽ xảy ra?

Cả thế giới chấn động khi xác cậu bé di cư 3 tuổi trôi dạt vào bờ.

Khi xác cậu bé 3 tuổi bị chết đuối trôi dạt vào bờ, các nước châu Âu đã thực hiện những bước đầu tiên hướng tới những giải pháp nhân đạo hơn khi đối mặt cuộc khủng hoảng di dân. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu, vấn đề di cư sẽ vẫn là một thách thức chung đối với EU và Nga. Và ngay cả khi hòa bình có trở lại với Trung Đông, thì dòng người di cư vẫn sẽ không dứt, khi mà con người từ những khu vực kém thịnh vượng của thế giới, tiếp tục tìm đến châu Âu và LB Nga. Và chúng ta không thể phủ nhận quyền mưu cầu được sống tốt hơn của họ.


Hiện tượng di cư, cũng giống như sự biến đổi khí hậu, nó mang tính xuyên quốc gia và khó lòng cản trở. Chỉ có nỗ lực giải quyết các vấn đề phát sinh từ sự di cư của mỗi quốc gia là có thể riêng biệt, mỗi nước theo những cách khác nhau. Và giải pháp của Nga, đó là nếu muốn ngăn "dòng chảy" của những người tị nạn từ Syria, có nghĩa là bạn phải chiến đấu với IS, bảo đảm an toàn và nâng chất lượng cuộc sống ở Trung Đông.


Cả Nga lẫn châu Âu không thể phủ nhận quyền hưởng an ninh, hòa bình và tìm kiếm hạnh phúc của con người. Sẽ là quá sớm để nói về sự vô nghĩa của biên giới giữa các quốc gia, song sẽ đến lúc chúng ta phải thừa nhận thế giới hiện nay phải cùng chia sẻ các giá trị của cuộc sống và cuộc khủng hoảng di dân hiện nay chỉ là sự phản ánh mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, nó đòi hỏi các chính phủ phải hợp tác giải quyết những xung đột trong thời đại mới.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Moskva)
Làn sóng di cư có nguy cơ gây bất ổn xã hội Đức
Làn sóng di cư có nguy cơ gây bất ổn xã hội Đức

Số lượng người di cư cao kỷ lục đổ vào Đức đang kéo theo sự hình thành và lớn mạnh của các nhóm cực đoan cánh hữu bài di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN